Ngư dân kể lại giây phút “thập tử nhất sinh” trên biển

Sơn Tùng| 14/07/2016 14:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

5 người trong một gia đình vươn khơi bám biển, thế nhưng ngày trở về không phải trong một tâm trạng hân hoan của một chuyến đi bội thu như các lần trước.

Khoảng 15h30 ngày 13/7, 5 ngư dân trên tàu cá Qng 90479 TS bị đâm chìm ở Hoàng Sa đã được tàu cá QNg 95001 TS của anh Huỳnh Văn Khanh (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) đưa về đến cảng cá Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) an toàn. Sau 5 ngày lênh đênh trên biển kể từ khi bị nạn, các ngư dân trên tàu cá Qng 90479 TS phờ phạc, mệt mỏi trông thấy.

Xót xa bước lên bờ trong vòng tay của người thân, thuyền trưởng Võ Văn Lựu (SN 1966, chủ tàu Qng 90479 TS) thẫn thờ như người vô hồn, khi tất cả tài sản gần 3 tỷ đồng nằm lại dưới đáy biển.

Ông Lựu cho biết, tàu mới chỉ ra khơi đánh bắt được gần 1 tấn hải sản thì bị tàu Trung Quốc quấy phá, đâm chìm. Trên tàu toàn bộ là người của gia đình, ngoài ông còn có con trai Võ Văn Cầu (SN 2000, đang học lớp 11); con rể Nguyễn Trung Hậu (SN 1986); em trai Võ Thanh Hương (1966) và cha là ông Võ Băng (SN 1941).

“Hôm đó khoảng 8 giờ ngày 9/7, khi tàu cá của tôi và chú Khanh đang đánh bắt tại tọa độ 16,12 vĩ độ Bắc – 111,43 độ kinh Đông thì bị 2 tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46102 và 56103 xua đuổi. Tàu 46102 truy đuổi tàu tôi, còn tàu 56103 đuổi theo tàu chú Khanh. Sau đó bọn chúng thả 2 ca nô xuống để dễ dàng áp sát. Đến 11 giờ, khi ở tọa độ 16,09 vĩ độ Bắc - 111,36 thì 6 người Trung Quốc trên tay cầm dùi cui, roi điện từ dưới ca nô nhảy lên tàu cá. Trong 6 người đó, có một người biết nói tiếng Việt. Vừa nhảy lên tàu chúng lao ngay vào cabin đánh tôi 2 cái, dùng roi điện dí vào cổ bắt tôi lái tàu rượt đuổi theo tàu chú Khanh”, ông Lựu bàng hoàng kể.

Ngư dân kể lại giây phút “thập tử nhất sinh” trên biển

Tàu hải cảnh Trung Quốc 46102 truy đuổi 2 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi

“Sau khi vào cabin khống chế cha tôi, bọn chúng tiếp tục lùa tất cả anh em còn lại về phía mũi tàu, bỏ hai tay ra sau gáy, mặt cúi xuống sàn tàu. Truy đuổi tàu của anh Khanh bất thành, tàu Trung Quốc 46102 bất ngờ tông thủng mạn tàu khiến nước chảy vào. Thấy vậy, một người nói được tiếng Việt bảo xuống bơm nước ra. Tuy nhiên, nước chảy vào ngập máy nên không hoạt động được. Sau đó, 6 người Trung Quốc xuống ca nô về lại tàu 46102”. tiếp lời cha vợ, anh Hậu nói.

Thuyền viên nhỏ tuổi nhất em Võ Văn Cầu cho biết, trong lúc cùng 3 người khác cúi mặt xuống sàn tàu thì mọi người bỗng nghe một tiếng “rầm” vang lên.

Sau tiếng động như “trời giáng” con tàu rung lắc dữ dội, nước bắt đầu tràn vào. “30 phút sau đó, con tàu chìm xuống biển chỉ nổi một phần mũi tàu. 5 người chúng em bu trên đó chờ người đến cứu”, Hậu thẫn thờ nói.

Ngư dân kể lại giây phút “thập tử nhất sinh” trên biển

Tàu cá QNg 95001 TS đưa 5 ngư dân bị nạn về bờ an toàn

Trong khi đó, tàu QNg 95001 TS của anh Khanh may mắn thoát được tàu hải cảnh của Trung Quốc khi anh cho tàu của mình chạy vào bãi cạn, sâu chừng 4m nước, lúc đó tàu của Trung Quốc không thể vào được. “Lúc bị tàu Trung Quốc truy đuổi, tôi nói anh em đứng ra ngoài thành tàu, nếu tàu có bị tông chìm thì nhảy xuống biển. Chứ ở trong cabin, tàu bị tông chìm thì chết cả. Sau khi tàu anh Lựu bị chìm bọn chúng vẫn không chịu bỏ đi mà cứ đứng ở đó khoảng 5 tiếng đồng hồ nên chúng tôi không thể nào tiếp cận cứu người được”, anh Khanh bức xúc nói

Qua tìm hiểu được biết, trên tàu có có cha của thuyền trưởng Lựu là ông Võ Bông, năm nay ông đã 74 tuổi. Lúc tàu bị đâm chìm, ông cùng các con bám víu sự sống trên một phần nổi của tàu. Gần 10 tiếng “sóng gió” ở trùng khơi, cả đời người đàn ông này chưa bao giờ trải qua những giờ phút kinh hoàng đến vậy.

“Từ 8 giờ đến 18 giờ bị tàu Trung Quốc truy đuổi, đâm chìm nên không ăn được gì, lúc bám víu trên mũi tàu mọi người rất đói và khát. Đến 18 giờ tàu hải cảnh Trung Quốc mới bỏ đi. Lúc này, tàu cá của anh Khanh mới có thể tiếp cận và đưa được mọi người lên tàu của anh ấy”, em Cầu buồn rầu nói.

Ngư dân kể lại giây phút “thập tử nhất sinh” trên biển

Thuyền trưởng Võ Văn Lựu và em trai Võ Thanh Hương (áo đỏ)

“Khi tôi đến, các thuyền viên trên tàu gần như đã kiệt sức, mặt nhợt nhạt. Khi đưa mọi người lên tàu thay áo quần, ăn cơm nước, họ mới tỉnh táo dần và nói chuyện được”, anh Khanh tâm sự

Có mặt trong buổi chiều chờ đón các ngư dân trở về, bà Nguyễn Thị Năng (SN 1965, vợ thuyền trưởng Lựu) đã không cầm được nước mắt. Từ khi biết hung tin xảy ra với tàu cá của gia đình bà như không ăn, không ngủ được gì.

Ngư dân kể lại giây phút “thập tử nhất sinh” trên biển

Bà Năng thẫn thờ trong ngày ra đón con trai Võ Văn Cầu

Bà Năng cho biết, vợ chồng ông bà làm nghề biển hơn 30 năm nay. Đây là con tàu thứ 6 được ông bà sắm mới. Tuy nhiên đã không ít lần gặp nạn, vào năm 1994, ông Lựu và 11 thuyền viên đang đánh bắt trên biển Hoàng Sa gặp bão, chiếc tàu bị sóng giữ nhấn chìm giữa biển khơi, còn người được tàu bạn ứng cứu thành công. Sau đó, vợ chồng ông bà vay mượn được 33 cây vàng đóng tàu mới vươn khơi, nhưng đến năm 2010 thì bị phía Malaysia bắt giữ, ông Lựu bị giam giữ 9 tháng tù, đồng thời con tàu bị tịch thu. Nhưng cái nghiệp biển ăn vào người, khi chồng ra tù, vợ chồng ông bà đóng tàu mới hành nghề lặn.

Những năm gần đây đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc đuổi thường xuyên, đặc biệt trong chuyến biển tháng 3/2014 bị tàu Trung Quốc cướp sạch thủy sản đánh bắt. Chuyến biển 6/2014 thì bị đuổi, máy tăng tốc bị vỡ và nay bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngư dân kể lại giây phút “thập tử nhất sinh” trên biển