Ngày 2/1, thông tin từ Trung tâm chống độc- Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ông N.Đ.T, 47 tuổi ở Hà Nội bị tổn thương não nghiêm trọng, không thể cứu chữa do uống rượu.
Theo bệnh án, bệnh nhân N.Đ.T đến trung tâm đã trong tình trạng hôn mê, huyết áp tụt, tổn thương não và ngừng tim. Sau nỗ lực cấp cứu cho tim đập trở lại, bệnh nhân được chỉ định lọc máu, điều trị rối loạn suy thận.
Được biết, sau 3 - 4 ngày uống rượu liên tục bởi tham dự đám cưới và tự mua uống, ông N.Đ.T đã được người thân đưa đến bệnh viện gần nhà trong tình trạng đau đầu, mắt mờ, trí giác lơ mơ. Ngay sau đó bệnh nhân đã được nhanh chóng chuyển tiếp lên Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân bị ngộ độc rượu được điều trị tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh minh họa
BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc cho biết, kết xét nghiệm cho thấy hàm lượng rượu cồn công nghiệp (methanol) trong máu lên tới gần 300 mg/100 ml máu (trong khi chỉ với mức trên 20mg/ml máu đã được ghi nhận là ngộ độc methanol)
Dù được lọc máu, dùng các thuốc giải độc và phụ thuộc tất cả các máy trợ tim mạch ngay khi nhập viện nhưng kết quả đánh giá cho thấy bệnh nhân bị suy thận, tổn thương não nghiêm trọng, không có khả năng phục hồi, không thể cứu chữa nên gia đã xin đưa bệnh nhân T. về nhà.
Các bác sĩ Trung tâm chống độc cho hay, hầu như ngày nào trung tâm này cũng tiếp nhận các ca ngộ độc rượu vào điều trị, nhưng số nhập viện tăng lên vào thời điểm cuối năm, trước và sau các kỳ nghỉ lễ, tết, có ngày 2-3 ca cấp cứu. Đáng lo ngại nhất là tình trạng ngộ độc methanol.
Độc tính của Methanol tác động chủ yếu lên thần kinh, đặc biệt là thần kinh điều khiển thị giác, vì vậy thường có biểu hiện loạng choạng, hoa mắt giống hệt cảm giác say rượu khiến người đã uống rượu hay lầm tưởng là say nhưng thực chất là bị ngộ độc. Nếu để lâu, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và có thể tử vong. Trường hợp được cứu sống, bệnh nhân cũng có nhiều di chứng về thần kinh - Các bác sĩ khuyến cáo.