Vào thời điểm tròn 30 năm (1988-2018) Luật Đầu tư nước ngoài đi vào cuộc sống đã tạo ra 70% giá trị xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp và 20% GDP của cả nước.
Rõ ràng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Việt Nam đã trở thành một thành phần kinh tế quan trọng và đạt hiệu quả ấn tượng.
Tuy nhiên, FDI đồng thời đã tạo ra nhiều thách thức to lớn cho nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là làm thế nào để nâng cấp ngành công nghiệp, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc vào FDI trong dài hạn.
Không khó khăn gì để xác định đóng góp quan trọng nhất của FDI ở Việt Nam là góp phần tăng hàm lượng công nghệ cao vào các ngành công nghiệp Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, sản phẩm công nghệ cao - chủ yếu của khu vực FDI đã chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, có một nghịch lý là, tuy công nghệ cao nhưng kỹ năng lại thấp trong nhiều công việc theo dây chuyền lắp ráp linh kiện, sản phẩm trong các doanh nghiệp gia công sản phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nghịch lý đáng quan ngại là tỷ lệ nội địa hóa còn quá khiêm tốn. Câu chuyện không sản xuất được ốc vít cho Samsung là một ví dụ. Các chuyên gia chỉ ra rằng Samsung “đánh tráo khái niệm” khi công bố tỷ lệ nội địa hóa của tập đoàn này là 57%. Hóa ra tỷ lệ 57% này bao gồm cả các nhà cung ứng FDI hoạt động ở Việt Nam. Trong khi đó số liệu tổng hợp xuất nhập khẩu điện thoại và linh kiện ở Việt Nam cho thấy khu vực FDI chiếm trọn vẹn 100% giá trị xuất khẩu và 89% giá trị nhập khẩu linh kiện ở Việt Nam. Với tỷ lệ 89% nhập khẩu linh kiện làm sao có được tỷ lệ nội địa hóa lên tới 57%?
Kết quả là sau một thời gian dài chỉ làm gia công, các doanh nghiệp này không còn có năng lực để theo đuổi bất kỳ một lựa chọn nào khác - tức là đã bị rơi vào “bẫy gia công” giá trị thấp. Các chuyên gia nhận xét, để thoát ra khỏi “bẫy gia công” này là một thách thức quan trọng trong chính sách phát triển doanh nghiệp và công nghiệp quốc gia.
Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện tốt chủ trương và có chính sách phù hợp để xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học - công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm, tập trung vào những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu.
Như vậy, trong trung hạn và dài hạn, chiến lược phát triển công nghiệp của nước ta là phải tìm cách vừa tận dụng được cơ hội do FDI đem lại để nâng cấp công nghiệp và hội nhập vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, vừa từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào FDI như hiện nay.
Vì vậy, cảnh báo10 năm nữa mà tốc độ thay đổi vẫn chậm chạp như hiện nay thì sẽ tụt hậu và những nghịch lý FDI về nội địa hóa, bẫy gia công giá trị thấp sẽ làm giảm bước phát triển sản xuất công nghiệp của nước ta.