Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ: Kiên định mục tiêu, đưa nền kinh tế về đích

16/05/2012 10:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với Nghị quyết số 12/NQ-CP vừa được ban hành, Chính phủ khẳng định cần kiên trì các mục tiêu, nhiệm vụ đã được các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội đề ra cho năm 2012.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để kịp thời có biện pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp; triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp Chính phủ đề ra, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2012.

Chính phủ thống nhất nhận định: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2012 đã có chuyển biến đúng hướng, đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Kinh tế vĩ mô được cải thiện một bước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 2,6% so với tháng 12 năm 2011, là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua. Lãi suất tín dụng tiếp tục giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối được cải thiện, tỷ giá cơ bản ổn định, thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc…

Tuy nhiên, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Lãi suất tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao; dư nợ tín dụng giảm mạnh; khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế. Sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực có biểu hiện ngưng trệ, lượng hàng tồn kho lớn; số doanh nghiệp bị giải thể, đình đốn sản xuất tăng, đặc biệt là khối các doanh nghiệp gắn với các dự án xây dựng, bất động sản, dẫn đến một bộ phận lao động mất việc làm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011. Thu ngân sách đạt thấp. Đời sống của một bộ phận dân cư còn gặp khó khăn. Tình hình tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm, khiếu nại, tố cáo của công dân, tình trạng phá rừng, cháy rừng còn diễn biến phức tạp và gây bức xúc trong xã hội.

Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ: Kiên định mục tiêu, đưa nền kinh tế về đích

Trên cơ sở đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và có hiệu quả; chỉ đạo quyết liệt để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

 Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tài khóa một cách hợp lý, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ, tín dụng; có biện pháp bảo đảm cân đối ngân sách theo kế hoạch, giữ mức bội chi ngân sách không vượt quá chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp, du lịch và xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư phát triển, khuyến khích đầu tư xã hội.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho thông qua các chương trình khuyến khích tiêu dùng, đưa hàng về nông thôn. Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục có các giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thủy sản, giữ được đà tăng trưởng hiện nay; chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình phòng, chống lụt bão; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện tốt các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai, khiếu kiện đông người kéo dài.

Chính phủ cơ bản nhất trí với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo đề nghị của các Bộ, cơ quan; đồng thời thống nhất cần khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ về tiền tệ, tín dụng, tài chính, thị trường, cải cách thủ tục hành chính... nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.

Chính phủ thống nhất quan điểm tái cơ cấu để hoàn thiện vị trí, chức năng, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi đánh giá hệ thống doanh nghiệp nhà nước cần có quan điểm khách quan, toàn diện, làm rõ hiệu quả trên từng mặt về kinh tế, chính trị, xã hội; xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước; tập trung xây dựng thể chế trong lĩnh vực này, trong đó xem xét ban hành nghị định riêng đối với từng Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước có quy mô lớn.

Quang Minh
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ: Kiên định mục tiêu, đưa nền kinh tế về đích