Vào thời điểm này mọi năm, trên báo chí, độc giả sẽ đọc thấy nhiều thông tin về lễ hội và không khí du xuân. Đâu đâu cũng tràn ngập sắc xuân làm lòng người như được thảnh thơi bởi ý nghĩ “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Nhưng năm nay đã khác, sự khẩn trương, thậm chí là gấp gáp bắt nhịp vào công việc đã thấm nhuần trong bộ máy Chính phủ, đang lan tỏa đến các bộ, ngành, đến từng cán bộ công viên chức. Không dừng lại ở việc hô hào mà lãnh đạo làm gương, cán bộ nào làm chưa tốt có thể bị phê bình. Vì thế mới có chuyện, một số cán bộ quen nếp cũ đã bất ngờ bị “điểm mặt, đặt tên” với những việc “vi phạm kỷ luật công chức”.
Mấy ngày nay, dư luận còn chưa hết xôn xao việc 5 cán bộ, nhân viên thuộc Phòng Quản lý hồ sơ, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đi lễ đền Mẫu tại thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) trong giờ hành chính, hay việc Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cùng một số viên chức và người lao động của Trung tâm đi lễ đầu năm trong giờ làm việc.
Những chuyện này thực ra vốn đã thành “nếp” sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Vài năm gần đây, cũng có chuyện báo chí đưa tin cơ quan này, đơn vị nọ sử dụng xe công đi lễ hội, hay công sở vắng bóng cán bộ, công chức, viên chức trong giờ hành chính… đó cũng chỉ như một vài “thông tin lạc” trên báo chí mà thôi. Chẳng khác nào “đá ném ao bèo” và chẳng mấy ai bị “vạch mặt, chỉ tên” thậm chí thành lập Hội đồng kỷ luật để đưa ra kết luật sai phạm như sự việc những ngày qua.
Vậy mà vẫn có người nói vui rằng “xui xẻo”, “số đen” hoặc “phô quá” mới bị phát hiện và phán ánh lên báo, đài. Chứ trong số hàng trăm lễ hội đầu xuân, hàng nghìn người đi trẩy hội, lễ chùa ấy, thì không ít cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc đi lễ, chơi hội có phải ai cũng bị phát hiện hết đâu. Thế mới biết, “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” đã ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức thế nào.
Để thay đổi “nếp cũ” này, ngay ngày đầu tiên trở lại làm việc sau nghỉ Tết 7 ngày, mùng 2/2 (tức mùng 6 Tết), người đứng đầu Chính phủ đã ban hành công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Trong công điện nêu rõ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương theo Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch của nhân dân. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ, không tổ chức liên hoan ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
Trong bối cảnh khác, ngay ngày đầu tiên làm việc sau nghỉ Tết, Thủ tướng đã “khai xuân” bằng việc ký Chỉ thị, yêu cầu 7 vấn đề, trong đó nội dung đầu tiên là triển khai ngay Nghị quyết 01 của Chính phủ, triển khai ngay các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện bằng được những mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt là phải bắt tay ngay vào làm việc ngay từ giờ đầu, ngày đầu, tháng đầu của năm mới, không bộ ngành nào được có tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Với tinh thần như thế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương tăng tốc trong việc thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp với tư tưởng, tầm nhìn mới, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển cao hơn. Điển hình là sự kiện quan trọng nhất là ngày 6/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Cùng ngày, tại TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam nhằm tìm giải pháp để phát triển ngành nuôi, chế biến tôm thành ngành kinh tế nông nghiệp trọng điểm, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra mục tiêu, tầm nhìn, chỉ đạo những giải pháp cụ thể để phát triển ngành này.
Ngày 9/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã chủ trì cuộc họp chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ hai, dự kiến trong tháng 3/2017. Trong cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về những kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Bộ Công Thương… Như vậy, chỉ sau mấy ngày, những yêu cầu được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ Tháng 1/2017 đã được triển khai một cách rốt ráo với sự vào cuộc khẩn trương của các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ nhằm triển khai quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu đề ra.
“Trông trên, ngẫm dưới”, đã đến lúc cán bộ công chức, viên chức người lao động chúng ta cần thay đổi hẳn lối tư duy, lề thói cũ khiến cho đất nước trì trệ tụt hậu bao năm, suy nghĩ mới để làm khác, trên dưới đồng lòng đưa đất nước phát triển tiến lên.