Ngày thứ năm xét xử Bầu Kiên: HĐXX tiếp tục thẩm vấn bị cáo Nguyễn Đức Kiên về hành vi đầu tư cổ phiếu gây thiệt hại gần 688 tỷ đồng.
* Nhấn F5 để tiếp tục cập nhật
11h10: HĐXX tuyên bố kết thúc phiên xử ngày thứ năm.
Sáng thứ 2 (26/5), Tòa tiếp tục xét xử.
11h00: Luật sư Bùi Quang Nghiêm đặt câu hỏi với ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát để làm rõ hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại tòa, ông Long cho biết, lời khai của bị cáo Kiên tại tòa là đúng. Nhắc lại sự việc, ông Long nói, bên Tập đoàn Hòa Phát muốn thoái vốn nên muốn mua lại cổ phần tại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát mà bị cáo Kiên sở hữu nên Kiên đồng ý bán. “Chủ trương này là đúng, chính xác. Chủ trương là tôi và anh Kiên đã thống nhất”.
Luật sư Nghiêm quay sang hỏi vấn đề này với 'bầu' Kiên, bị cáo Kiên trả lời: "Tôi không quan tâm nhiều đến việc thanh toán. Tôi với anh Long là bạn bè, chúng tôi là 2 chủ tịch của 2 tập đoàn rất lớn. Uy tín của chúng tôi không nằm ở 264 tỉ đồng. Lời nói của chúng tôi bằng hàng ngàn chữ ký”. Tuy nhiên, việc trình bày của Kiên bị HĐXX cắt ngang và cho rằng, sẽ đưa lại trong phần tranh luận.
10h50: Luật sư tiếp tục xét hỏi Huyền Như.
Luật sư: Việc rút tiền được bị cáo thực hiện bằng các hợp đồng hay cách thức như thế nào? Có phải bằng các hợp đồng tín dụng, tiền gửi tiết kiệm hay hành vi ký giả không?
Huyền Như cho biết: Những nội dung này tôi đã khai tại cơ quan điều tra, tôi không trả lời ở đây. Việc này để cơ quan điều tra làm rõ và công bố.
10h40: Luật sư tiếp tục xét hỏi đại diện của NH Vietinbank.
Theo vị đại diện này, trước đây Huyền Như với tư cách là trưởng phòng giao dịch nên được ký hạn mức đã được phê duyệt với số tiền tối đa là 50 tỷ đồng.
Khi luật sư hỏi vì sao NH không phát hiện ra sự gian dối trong hoạt động giao dịch này. Đại diện NH cho biết: Do Huyền Như và bên thỏa thuận đã làm việc ngầm với nhau. Việc thỏa thuận ngầm này là hành vi trái pháp luật.
Luật sư hỏi tiếp: Vậy ai là người chịu trách nhiệm trong việc giao dịch trái pháp luật này.
Đại diện NH Vietinbank: Người chịu trách nhiệm phải được xét xử trước pháp luật. Vấn đề này là thẩm quyền của cơ quan điều tra kết luận.
Khi được luật sư hỏi: Việc rút tiền của Huyền Như bằng những phương thức nào?
Đại diện NH cho biết: Những nội dung này thuộc một vụ án khác, đề nghị luật sư không nên hỏi nữa.
10h30: Luật sư tiếp tục mời đại diện Ngân hàng Vietinbank lên thẩm vấn.
10h20: HĐXX trở lại làm việc và luật sư chuyển sang xét hỏi bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho biết: Về quá trình chuyển tiền của nhân viên Ngân hàng ACB hoàn toàn được thông qua hệ thống giao dịch điện tử sang Ngân hàng Vietinbank.
Đó là do hiện nay NHNN quyết định sử dụng hệ thống công nghệ cao để sử dụng trong các giao dịch trực tiếp.
10h04: Tòa nghỉ giải lao.
9h55: Luật sư Vũ Xuân Nam đặt câu hỏi với đại diện Ngân hàng Vietinbank: Khi người dân gửi tiền vào tài khoản, họ có nghĩa vụ quản lý số tiền trong tài khoản không?
Đại diện Ngân hàng Vietinbank trả lời: “Chủ tài khoản là người có toàn quyền quyết định số dư. Đây chính là tài sản của khách hàng. Trách nhiệm quản lý số dư thuộc về chủ tài khoản”.
Khi luật sư đề cập một số tình tiết liên quan đến vụ án "Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như là: Người dân là chủ tài khoản không thực hiện việc rút tiền hay chuyển khoản số dư, mà các việc đó do nhân viên NH thực hiện thì khi đó, ai là người sử dụng tài khoản? Trước câu hỏi này, vị đại diện NH cho biết: Những nội dung liên quan đến vụ án Huyền Như đã được tòa án xét xử trong một vụ án khác, luật sư không nên đưa vào vụ án này.
9h30: Phiên tòa trở nên 'nóng' hơn khi HĐXX buộc phải cắt ngang cuộc đối thoại trong phần xét hỏi giữa luật sư bào chữa và vị đại diện NH Vietinbank.
Giữa luật sư và đại diện NH vẫn chưa thống nhất được các vấn đề xoay quanh việc người dân gửi tiền ngân hàng.
"Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên tòa sáng nay 24/5
9h15: Khi luật sư tiếp tục đưa tiếp câu hỏi, tuy nhiên HĐXX cắt ngang và đề nghị đại diện NHNN chuẩn bị kỹ tài liệu trước khi lên dự tòa.
9h05: Luật sư Vũ Xuân Nam (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Kiên) đặt câu hỏi cho đại diện Ngân hàng Nhà nước.
Khi luật sư hỏi rằng: Người dân đi gửi tiền cho Ngân hàng có phải là lĩnh vực liên quan đến ngân hàng không?; Người dân đi gửi có phải được Ngân hàng cho phép không? Khi người dân đem tiền đi gửi, ngân hàng có xác định là nguồn tiền của ai không? Người dân đi gửi tiền, nộp tiền vào tài khoản, đối với người dân có phải là hoạt động của ngân hàng không?...
Trước hàng loạt câu hỏi này, vị đại diện NHNN đã tỏ ra ấp úng và từ chối trả lời một số câu hỏi. "Tôi đã trả lời trong phiên xử trước đây nên bây giờ tôi không trả lời lại", đại diện NHNN cho biết.
8h50: Ông Đỗ Minh Toàn (nguyên là thành viên của HĐTV ACBS, là Phó tổng giám đốc ACB tại thời điểm bầu Kiên đang tại vị) được HĐXX truy vấn về việc mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB.
Khi được hỏi, ông Toàn cho biết, Nghị quyết của HĐQT phải có 3 người ký: ông Nguyễn Đức Kiên, ông Chung và ông Toàn. Trong đó, ông Toàn là người ký thứ ba và cũng là người ký sau cùng.
Ngoài ra, tại phiên xử ngày hôm nay, ông Toàn cũng thừa nhận vào năm 2009, ông Toàn là trợ lý của bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
8h35: HĐXX tiếp tục truy vấn đại diện Ngân hàng Vietbank, ông Quốc Bình. Theo vị đại diện ngân hàng này, khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2010, Vietbank đã có nhiều giao dịch liên ngân hàng hai chiều với Ngân hàng ACB.
Khi đại diện VKS hỏi, ông Bình cho biết ông không có số liệu về việc Ngân hàng Vietbank có vay tiền của Ngân hàng ACB mua trái phiếu hay không?
8h25: Ông Minh cho biết, qua hai đợt phát hành trái phiếu của Công ty Chứng khoán thuộc Ngân hàng (ACBS), Ngân hàng KienLongbank mua với trị giá hơn 1.500 tỷ đồng.
8h15: HĐXX bắt đầu làm việc. Tòa tiếp tục phần xét hỏi. HĐXX mời đại diện ngân hàng Kienlongbank ông Nguyễn Thanh Minh.
Ông Minh cho biết, Kienlongbank và Ngân hàng ACB là mối quan hệ đối tác. Quan hệ giao dịch liên ngân hàng giữa hai đơn vị là thường xuyên, hàng ngày.
Năm 2010, KienLongabank phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Đối với thành viên của Ngân hàng ACB có các bị cáo Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang là cổ đông của ngân hàng này. Nguyễn Đức Kiên không có cổ phần hay cổ đông của Kienlongbank.
Theo HĐXX, năm 2009, ngân hàng KienLongbank vay của Ngân hàng ACB 1000 tỷ đồng (theo cáo trạng). Ông Minh cho rằng không phải năm 2009 mà là năm 2010. Việc vay tiền thông qua giao dịch liên ngân hàng do nhu cầu sử dụng vốn. Ông Minh cũng khẳng định không cho Công ty ACBS vay tiền.
8h12: Phiên xét xử vẫn chưa bắt đầu.
8h00: Bầu Kiên và các bị cáo đã có mặt tại phiên tòa. Trong ngày xét xử hôm qua (23/5), HĐXX đang xét hỏi các bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong phần xét hỏi về tội “cố ý làm trái…” HĐXX đã triệu tập một số người có nghĩa vụ liên quan trong đó có “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như. Huyền Như đã thuật lại quá trình chiếm đoạt số tiền 718 tỷ đồng mà các bị cáo trong vụ án bầu Kiên đã thực hiện ủy thác tiền gửi sang Ngân hàng Vietinbank.
Bầu Kiên tại tòa
Chiều qua, Tòa tiếp tục xét hỏi các bị cáo về hành vi đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB gây thiệt hại số tiền gần 688 tỷ đồng.
Dẫn giải các bị cáo trong vụ án bầu Kiên
Các bị cáo trong hành vi này đều khai rằng không biết việc Công ty Chứng khoán thuộc Ngân hàng ACB (ACBS) ký đầu tư với Công ty Cổ phần Đầu tư Á Châu (ACI) trong việc mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB trái với quy định của pháp luật.
HĐXX đang thẩm vấn bầu Kiên để đối chất với lời khai của các bị cáo và người liên quan. Bầu Kiên phủ nhận việc chỉ đạo mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB như trong cáo buộc.
Các bị cáo tại phiên tòa:
1./. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB).
2./. Bị cáo Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
3./. Bị cáo Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
4./. Bị cáo Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
5./. Bị cáo Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB)
6./. Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)
7./. Bị cáo Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)
8./. Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)
Đối với ông Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) được tòa quyết định tạm đình chỉ vụ án. Khi nào lý do đình chỉ không còn sẽ khôi phục vụ án.