Hưởng ứng Festival Huế 2014, Liên đoàn bóng đá Thừa Thiên Huế (HFF) và Dự án “Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam” (FFAV) phối hợp với Phòng GD&ĐT TP. Huế, Trung tâm thể thao TP. Huế tổ chức “Ngày hội bóng đá vui” cho 1.060 cầu thủ nhí.
Trong đó có gần 300 trẻ em khuyết tật tới từ 15 Trung tâm bảo trợ xã hội tại tỉnh TT Huế, 14 CLB bóng đá FFAV tại TP Huế và CLB bóng đá Phú Mỹ đến từ huyện Phú Vang, TT Huế. Đặc biệt, trong ngày hội này còn có sự tham quan của hơn 50 công dân Na Uy gốc Việt Nam được Na Uy nhận nuôi từ năm 1968 đã trở về Việt Nam với mong muốn tìm lại gốc gác cũng như tìm hiểu thêm về đất nước nơi mà họ đã được sinh ra.
“Ngày hội bóng đá vui” là một hoạt động trong Lễ hội thiếu nhi “Sắc màu tuổi thơ” của Festival Huế. Việc tổ chức ngày hội lần này là dịp tốt để nhân rộng mô hình tổ chức ngày hội bóng đá vui tại các huyện, thị xã và thành phố trong thời gian tới và giúp mọi người hiểu rõ hơn phương pháp tổ chức hoạt động bóng đá dành cho trẻ em. Ngày hội cũng sẽ giúp nâng cao tinh thần tự nguyện của những người làm công tác tổ chức những hoạt động bóng đá cho trẻ em.
Đây cũng là nơi để các em thiếu nhi có cơ hội vui chơi trong môi trường an toàn và tạo sân chơi bóng đá không cạnh tranh, không phân biệt và lồng ghép giáo dục kỹ năng sống. Tại sự kiện này, trẻ em, các cầu thủ “nhí” tại ngày hội sẽ là nhân vật trung tâm trong tất cả các hoạt động, các em được tham dự các hoạt động bóng đá, các trò chơi giáo dục kỹ năng sống và các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ… Tham gia “Ngày hội bóng đá vui” có sự góp mặt của hơn 1.060 cầu thủ (50% nam, 50% nữ), trong đó có gần 300 em khuyết tật tới từ 15 Trung tâm bảo trợ xã hội tại tỉnh TT Huế, học sinh, cầu thủ từ 14 CLB bóng đá FFAV tại thành phố Huế và các vùng lân cận.
Tại ngày hội, ông Lê Ngọc Tư, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá TT Huế (HFF) chia sẻ: “Tôi thực sự rất xúc động khi thấy các em nhỏ, đặc biệt là những em khuyết tật thi đấu trên sân. Chính bóng đá cộng đồng đã giúp các em tự tin và hòa nhập với cuộc sống.”
Tiếp nối chương trình “Ngày hội bóng đá vui” là lễ hội “Sắc màu tuổi thơ” đã được khai mạc bằng một chương trình nghệ thuật đặc sắc, vui tươi của các em thiếu nhi đến từ các trường tiểu học, các đội ca của Nhà thiếu nhi Huế, gồm các hoạt động như: “Ngày hội bóng đá vui”, Liên hoan “Mặt trời xanh”, hát múa dân ca, đồng dao “Khúc nhạc đồng quê”, Kể chuyện cổ tích, dân gian “Câu chuyện ngày xưa”, Hội thi vẽ tranh, hội thi cắt tỉa nghệ thuật, hội thi nặn tượng “Ý nghĩa tuổi thơ”, Hội thi cắm hoa “Hương sắc mùa hạ”, thi làm hoa giấy..., Lễ hội “Sắc màu tuổi thơ” còn là những sân chơi cho các em thiếu nhi yêu nghệ thuật, thể hiện năng khiếu về âm nhạc, về hội họa, lễ hội còn có một hoạt động ý nghĩa khác khi chính các em sẽ là những người đem niềm vui, sự sẻ chia của xã hội, của các em dành cho các bạn đến từ các Trung tâm bảo trợ, các mái ấm tình thương trong “Ngày hội dành cho trẻ em đặc biệt”, quyên góp, xây dựng tủ sách “Vòng tay bạn bè” cho các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh TT Huế.
Cũng trong dịp này, được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao và Sở Ngoại vụ tỉnh TT Huế và UBND tỉnh TT Huế, sau gần nửa thế kỷ, hơn 50 công dân Na Uy gốc Việt Nam được Na Uy nhận nuôi từ năm 1968 đã trở về Việt Nam với mong muốn tìm lại gốc gác cũng như tìm hiểu thêm về đất mà họ được sinh ra.
Đoàn 50 công dân Na Uy ghé thăm các em ở trường THCS Nam Phú (huyện Nam Đông)
Trong chuyến đi này, ngoài việc thăm dự án “Bóng đá cộng đồng Na Uy tại Việt Nam” tại TT Huế, đoàn còn ghé thăm những hoạt động bóng đá phong trào cho trẻ em ở trường THCS Nam Phú (huyện Nam Đông), THCS Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) và sau đó đến thăm một số trại trẻ mồ côi tại TP. Hồ Chí Minh. Thông qua đó, có thể hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam, đồng thời có thêm hy vọng nhỏ nhoi về những người thân thất lạc gần 50 năm về trước.
Năm 1968, khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt, những đứa trẻ mồ côi Việt Nam được những người Na Uy đón nhận làm con nuôi. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đối với họ như những “trang giấy trắng”. Họ không còn nhớ bất cứ điều gì về người thân, gốc gác của mình.
Ông Terse Heide (47 tuổi) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam kể từ khi được nhận nuôi. Tôi cảm thấy may mắn vì được một gia đình Na Uy nhận nuôi, bởi vì cuộc sống của tôi có thể sẽ không được sung túc như hiện nay, hay có thể tôi đã mất trong lúc chiến tranh đang xảy ra. Thế nhưng, những ký ức về quê cha đất tổ vẫn hiện hữu trong tôi. Tôi muốn thông qua chuyến đi này hy vọng có thể tìm lại những người bà con của mình.” Sau một ngày trải nghiệm tại TT Huế, ông Heide cho biết thêm: “Tôi đã được sống ở một đất nước với đầy đủ tiện nghi. Tôi biết ơn vì những gì mình đang có. Do vậy, tôi muốn chia sẻ một phần nào đó với những em nhỏ còn khó khăn ở nơi đây. Có thể sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ nỗ lực hỗ trợ những hoạt động của FFAV nhằm đem niềm vui và nụ cười đến với trẻ em Việt Nam. Chẳng hạn, chúng tôi sẽ mang một đội bóng của FFAV sang tham gia Cúp Na Uy và tất nhiên khi các em đến Na Uy, chúng tôi sẽ dành thời gian cùng đoàn, dẫn đi tham quan thủ đô Oslo hay cho các em được trải nghiệm cuộc sống trong một gia đình NaUy…
Bà Kim Ossum (47 tuổi) chia sẻ: “Tôi sinh ra năm 1966, lúc ấy chúng tôi rất nhỏ, sang đất nước Na Uy từ thời gian nào tôi cũng không biết chính xác. Nhưng có thể là năm 1968, và hầu như những người bạn trong cùng đoàn với chúng tôi cũng vậy. Hơn 45 năm được nhận nuôi và sinh sống ở mảnh đất Na Uy nhỏ bé, tôi không hề biết Việt Nam như thế nào. Đây là lần đầu tiên tôi trở lại nguồn cội nơi sinh ra mình, con trai tôi cũng theo về cùng nhưng không hình dung được quê hương của tôi như thế nào. Tôi muốn tìm lại nguồn cội của mình. Hy vọng phép màu sẽ đến với tôi cũng như những thành viên trong đoàn”.
Được biết, đi theo đoàn còn có đoàn Đài truyền hình VTV chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, Đoàn đài truyền hình Quốc gia Na Uy NRK, cán bộ trung tâm hướng dẫn báo chí nước ngoài Bộ Ngoại giao.
Xuân Hiển-Châu Hóa