Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa bác bỏ yêu cầu gia hạn thời gian thêm 20 ngày để thu hút vốn của ngân hàng Monte dei Paschi di Siena (BMPS), ngân hàng lớn thứ 3 của Italy và là một trong những ngân hàng lâu đời nhất thế giới.
Theo số liệu của ECB, hiện BMPS đang phải nỗ lực thu hút thêm khoảng ít nhất 4 tỷ euro trên thị trường để tránh nguy cơ phá sản.
Mặc dù thông tin trên chưa được thông báo bằng văn bản chính thức nhưng các chuyên gia đánh giá rằng động thái này của ECB cho thấy nguy cơ phá sản đối với BMPS là hiện hữu và việc kéo dài thêm thời hạn sẽ không mang lại một kết quả khả quan nào. Trong khi đó, tình hình nội trị tại Italy đang có nhiều bất ổn và biến đổi khó lường. Kế hoạch cải cách Hiến pháp do cựu Thủ tướng Matteo Renzi khởi xướng đã không được thông qua và tác động trực tiếp đến tâm lý của các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư có tiềm lực đang quan tâm đến việc mua vốn của BMPS.
Ngân hàng Monte dei Paschi di Siena đối mặt với nguy cơ phá sản. Ảnh: Wall Street Italia
Một số phương án giải cứu mà không vi phạm các nguyên tắc của Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã được tính đến, như việc hỗ trợ cho các cá nhân gửi tiền từ nguồn của những tổ chức lớn nắm giữ cổ phiếu ngân hàng, nhằm gián tiếp làm giảm áp lực cho ngân hàng. Tuy nhiên, phương án này cũng được cho là có chi phí cao trong khi cán cân tài chính hiện giờ của Italy là rất bấp bênh. Theo dự báo, thâm hụt ngân sách của Italy năm 2017 là khoảng 2,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đang là nguyên nhân gây căng thẳng với EC. Ngoài ra, phương án linh động này có thể tạo ra tiền lệ đối với cả các ngân hàng nhỏ đang có tỷ lệ nợ xấu cao khác ở Italy.
Trước các thông tin này, Chủ tịch của BMPS Alessandro Falciai vẫn khẳng định rằng quyết định của ECB không đáng bận tâm. Tuy nhiên, các nguồn tin truyền thông cho biết, Hội đồng Điều hành BMPS đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại thành phố Milan, phía Bắc Italy để thảo luận và đánh giá tình hình.
Công đoàn ngành ngân hàng tại Italy đã có những phản ứng dữ dội trước các thông tin nêu trên. Thư ký toàn quốc của Liên đoàn độc lập ngành ngân hàng Italy (FABI) Lando Maria Sileoni, tuyên bố nếu ECB không khẳng định sẽ tiếp tục gia hạn, nhân công ngành này sẽ có những phản ứng quyết liệt, bởi số phận của 26.000 người lao động và gia đình cũng như 5 triệu khách hàng đang đối mặt với nguy cơ rủi ro cao.