Thời điểm giáp Tết Đinh Dậu, nhu cầu rút vốn chi trả lương, thưởng Tết, các cá nhân rút tiền trong tài khoản phục vụ việc chi tiêu cuối năm tăng lên, dẫn đến các Ngân hàng thương mại tạm thời thiếu hụt lượng tiền mặt trong lưu thông.
Ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất
Theo ghi nhận của phóng viên, tuần cuối cùng của năm 2016 và những ngày đầu năm 2017, một số ngân hàng thương mại trong nước, đã thay đổi biểu lãi suất huy động, điều chỉnh tăng một số kỳ hạn ngắn.
Bộ phận nguồn vốn của Ngân hàng Đông Á cho biết, lãi suất huy động cuối kỳ đối với kỳ hạn 1 tháng là 5%/năm, kỳ hạn 2, 3, 4, 5 tháng là 5,1%/năm, tuy nhiên, nếu khách hàng gửi, từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng được cộng thêm 0,2%/năm, từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng được cộng thêm 0,3%/năm và từ 1 tỷ đồng trở lên được cộng thêm đến 0,4%/năm. Đáng chú ý DongAbank là ngân hàng mới được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt theo quyết định của Ngân hàng nhà nước.
Ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động dịp giáp Tết Nguyên Đán
Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank đã chính thức áp biểu lãi suất huy động mới từ ngày 05/01, với mức tăng 0,1-0,2%. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng tăng lên 4,6% một năm, 3 tháng lên 5% mỗi năm và 6 tháng là 5,6%.
Ngân hàng Sài Gòn Công Thương - Sacombank cũng mới công bố mức lãi suất huy động mới ở các kỳ hạn 2 tháng và 6 tháng với mức tăng từ 0,2%/năm. Mức áp dụng hiện tại cho khách hàng đến gửi tiền lần lượt tăng từ 4,9%/năm lên 5,1%/năm đối với kỳ hạn 2 tháng; từ 5,9%/năm lên 6%/năm đối với các kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng.
Tăng để đáp ứng các tỉ lệ an toàn vốn
Trước đó, các ngân hàng thương mại khác cũng thực hiện công bố biểu lãi suất mới với mức tăng phổ biến từ 0,1 – 0,3 % mỗi năm đối với các kỳ hạn ngắn.
Lần tăng lãi suất huy động này chủ yết diễn ra đối với các Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) tư nhân, nhóm các NHTMCP có vốn đầu tư Nhà nước hầu như không có sự điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Nhóm NHTMCP top đầu lãi suất ngắn hạn khoảng 4,7-5,2%/năm và nhóm NHTMCP nhỏ hầu hết đang áp dụng lãi suất ngắn hạn kịch trần và lãi suất kỳ hạn dài cũng ở mức cao trên 7%/năm, thậm chí leo mốc 8%/năm.
Theo lý giải của các ngân hàng, nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng là để đáp ứng các tỉ lệ an toàn vốn theo quy định của NHNN. Đặc biệt, từ 1/1/2017 theo quy định của thông tư 06, khi tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ mức 60% xuống 50%. Cùng với nhu cầu tăng cao về chi tiêu tiền mặt trong dịp cuối năm của các chủ thể trong nền kinh tế, như dùng để trả lương, thưởng Tết… dẫn đến tình trạng thiếu hụt tạm thời lượng tiền mặt phục vụ cho nhu cầu thanh khoản của các Ngân hàng trong thời điểm này.
Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà Nước, cùng với việc dư thừa nguồn cung tiền, trước đó vào đầu quý 4 năm 2016, các Ngân hàng thương mại đã thực hiện giảm lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế với mức chi phí vốn thấp dần. Các chuyên gia ngân hàng nhận định đợt tăng lãi suất huy động thời điểm này có thể làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay của các Ngân hàng. Tuy nhiên, hiện tượng chỉ là tạm thời bởi các nguyên nhân đặc thù về nhu cầu tiền mặt thời điểm giáp Tết Nguyên Đán của các chủ thể trong nền kinh tế.
Thời điểm sau Tết Nguyên Đán khi các nhu cầu chi tiêu tiền mặt đã hết, nhiều khả năng lãi suất huy động của các Ngân hàng thương mại lại được điều chỉnh giảm theo nhu cầu thực tế của thị trường. Hiện tượng này đã được kiểm chứng các năm trước đó, cứ thời điểm trước Tết Nguyên Đán chừng 01 tháng thì các Ngân hàng lại tăng lãi suất huy động đối với các kỳ hạn ngắn.