Thủ tướng Nga tuyên bố mọi quyết định của NATO nhằm kết nạp Gruzia vào khối sẽ dẫn đến hậu quả tồi tệ cho các bên.
Reuters dẫn tuyên bố của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 7/8 cho biết, việc Gruzia gia nhập NATO sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột khủng khiếp. Ông cũng mô tả đây là động thái "khiêu khích" Nga giữa một thời kỳ căng thẳng với phương Tây.
Phát biểu của ông Medvedev được đưa ra vài tuần sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo NATO không nên có động thái tăng cường quan hệ với Ukraine và Gruzia, cho rằng chính sách này là vô trách nhiệm và sẽ gây ra những hậu quả không thể lường trước cho khối này.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev
Theo đó, lãnh đạo NATO năm 2008 từng cam kết sẽ đưa Gruzia tham gia khối và đã tái thảo luận vấn đề này trong cuộc họp tại Brussels vào tháng 7. Đây được cho là nguyên chính khiến Nga, nước có chung biên giới với Gruzia, nổi giận và thường xuyên chỉ trích ý định này của NATO.
NATO và Gruzia hôm 1/8 còn tiến hành cuộc tập trận chung Noble Partner 2018 tại căn cứ quân sự Vaziani ở Gruzia với sự tham gia của hơn 3.000 binh sĩ. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, mục tiêu thực sự của cuộc tập trận là nhằm gây sức ép lên Abkhazia, Nam Ossetia vốn được Nga công nhận là các quốc gia độc lập, cảnh báo điều này có thể dẫn tới việc thúc đẩy các quan điểm “quân phiệt" và căng thẳng leo thang.
Trước đó, Tổng thống Putin cũng cho biết ông xem việc mở rộng NATO bao gồm cả Gruzia là "rất tiêu cực". Tổng thống Putin tuyên bố, Nga sẽ phản ứng thích đáng với những động thái hung hăng, vốn trực tiếp đe dọa Nga.
Quan hệ Nga - Gruzia luôn căng thẳng kể từ sau xung đột quân sự nổ ra vào tháng 8/2008, khi Gruzia tấn công lãnh thổ ly khai Abkhazia và Nam Ossetia. Nga mở chiến dịch can thiệp quân sự nhằm vào Gruzia từ ngày 8/8 và kết thúc sau 5 ngày giao tranh. Gruzia chịu thiệt hại nặng về lực lượng và cơ sở hạ tầng quốc phòng, trong khi Nga công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia.
Cuộc chiến tranh Nga - Gruzia 2008 xảy ra vào lúc ông Putin ở vai trò Thủ tướng Nga và đang dự Olympic mùa hè Bắc Kinh, quyền điều hành thuộc về Tổng thống Medvedev. Đó cũng là cuộc can thiệp quân sự đầu tiên của quân đội Nga, từ sau lần Liên Xô đưa quân tình nguyện qua Afghanistan đánh quân Hồi giáo cực đoan. Nga chấp thuận kế hoạch ngưng bắn do Tổng thống Pháp lúc đó là ông Nicolas Sarkozy làm trung gian.