Nên tổ chức cho phạm nhân ra ngoài lao động hay không?

Bình Nguyên| 10/01/2019 16:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 10/1, tại phiên họp thứ 30, UBTVQH đã thảo luận cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Phải đảm bảo một số điều kiện

Dự án Luật thi hành án hình sự (sửa đổi) đã được Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Sau kỳ họp, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau đã được các cơ quan hữu quan để tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện.

Trong phiên họp hôm nay, Ủy ban Tư pháp trình UBTVQH một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, như: Quy định về việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam; về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân, về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, về trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ.

Nên tổ chức cho phạm nhân ra ngoài lao động hay không?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo trước Quốc hội

Theo đó, dự thảo Luật quy định: “Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”.

UBTP và Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, chính sách nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là: “Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội…” (Điểm e khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự). Do đó, đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ bắt buộc và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù. Việc tổ chức lao động cho phạm nhân không chỉ nhằm giáo dục cải tạo mà còn mục đích cải thiện bữa ăn, dạy nghề, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng...

UBTP và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị bổ sung quy định cho phép trại giam thành lập Khu sản xuất, Điểm lao động và cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với pháp luật quốc tế, UBTP cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Thứ nhất, bảo đảm về an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; bảo đảm công khai, minh bạch việc phân phối lại kết quả lao động của phạm nhân một cách hợp lý (cải thiện bữa ăn, hưởng một phần thu nhập, mức đóng góp vào các quỹ theo quy định...); bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Thứ hai, quy định mang tính nguyên tắc trong Luật các điều kiện đối với phạm nhân được chọn ra ngoài lao động, như: loại tội, mức hình phạt, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động của phạm nhân..., trên cơ sở đó, giao Chính phủ quy định chi tiết.

Lưu ý về chính sách và sự tự nguyện của phạm nhân

Góp ý thảo luận về vấn đề này, các ý kiến đồng tình nhưng đề nghị cân nhắc quy định về sự đồng ý của phạm nhân ra ngoài lao động, để phù hợp với tinh thần Công ước số 29 của ILO như kiến nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng: phải làm rõ cụm từ “ngoài trại giam” khi cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân. Nếu ngoài trại giam nhưng trong “Khu sản xuất, Điểm lao động” là có thể thực hiện được, song nếu đưa phạm nhân vào doanh nghiệp là không phù hợp với tinh thần Công ước của ILO.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng nhấn mạnh, quy định sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc lâu nay như tổ chức sản xuất manh mún, hiệu quả sản xuất chưa cao... Ngoài ra, việc lao động sản xuất cũng là cơ sở thực hiện các chính sách (như giảm án, đặc xá). Nếu hình thành các phân trại sản xuất lao động dạy nghề để nó gắn với trại khi vẫn có bộ máy quản lý, tránh việc nói rằng chỗ này do doanh nghiệp đầu tư dẫn đến có thể vướng vấn đề này, vấn đề khác.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, cần phân biệt mối quan hệ giữa trại giam – phạm nhân và doanh nghiệp, tránh việc doanh nghiệp trực tiếp làm việc (hợp đồng) với phạm nhân. Việc phạm nhân lao động là bắt buộc, tuy nhiên, lao động để sản xuất ra sản phẩm thương mại lại là vấn đề khác, cần phải có sự tự nguyện tham gia của phạm nhân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh quyền, con người của phạm nhân, khẳng định, chế độ ta luôn hướng đến giáo dục để người ta hoà nhập sau khi chấp hành xong bản án. Do đó, việc cho lao động ngoài trại giam tại các điểm sản xuất là tạo điều kiện cho phạm nhân lao động, có thu nhập, nâng cao đời sống và có tay nghề. Vậy nên, cần phân loại, phạm nhân cải tạo tốt, tự giác thì được tạo điều kiện để lao động. Trong đội ngũ phạm nhân có người có trình độ lao động nhất định thì nên sử dụng. Quy định cứng quá thì khó thực hiện, do đó cần mở ra để tạo điều kiện cho phạm nhân lao động.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, cần thực hiện đúng các quy định cũng như đảm bảo chính sách nhân đạo như sự tự nguyện lao động, hưởng thành quả lao động của phạm nhân. “Đồng ý chủ trương cho lập Khu sản xuất, Điểm lao động nhưng dưới dạng phân trại. Quan hệ giữa người bị giam giữ với cơ quan quản lý giam giữ, còn quan hệ giữa Điểm sản xuất với doanh nghiệp ở ngoài là quan hệ khác, chứ không phải phạm nhân ra làm việc cho một doanh nghiệp nào đó”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên tổ chức cho phạm nhân ra ngoài lao động hay không?