"Nên cân nhắc về hạn mức tối đa giao dịch ví của điện tử"

Lan Trần| 13/05/2019 07:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39, NHNN quy định tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân tối đa là 20 triệu đồng trong một ngày và 100 triệu đồng trong một tháng.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến đóng góp. Trong dự thảo, NHNN quy định tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử sang ví điện tử khác và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa là 20 triệu đồng trong một ngày và 100 triệu đồng trong một tháng. Quy định không được áp dụng đối với ví của cá nhân có ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận làm đơn vị chấp nhận thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Ảnh minh họa

Thông tin tại hội thảo do VCCI tổ chức mới đây, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, việc đưa ra hạn chế nhằm giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng và tránh trường hợp lợi dụng để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp.

Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hiện nay Việt Nam đã có 29 trung gian thanh toán không phải là các ngân hàng thương mại. Thanh toán điện tử của Việt Nam rất tiềm năng vì dân số trẻ, 55% người dùng điện thoại smart phones, thương mại điện tử dự báo tăng trưởng từ 20 – 22%/năm trong 3 năm tới.

Tuy nhiên, việc thanh toán điện tử tại Việt Nam vẫn gặp những rào cản do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn cao. Độ bao phủ của dịch vụ ngân hàng còn thấp, phân bổ không đồng đều, hạ tầng công nghệ thông tin thấp. Hơn nữa, việc thanh toán điện tử chưa tạo được sự tin tưởng cao từ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, khu vực kinh tế phi chính thức còn lớn, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN là cần thiết để khuyến khích quản lý ví điện tử. Tuy nhiên, cần rà soát, xem xét một số điểm trong dự thảo. Theo đó, Điều 8 của dự thảo quy định Ngân hàng hợp tác là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng với việc đảm bảo khả năng thanh toán cho các đơn vị chấp nhận là chưa hợp lý.

Ngoài ra, theo ông Cấn Văn Lực cơ quan soạn thảo cần tính đến thực tế thu nhập bình quân đầu người tăng, tiêu dùng cá nhân cũng gia tăng rất nhanh để đặt ra hạn mức không kìm hãm thanh toán điện tử. Dự thảo quy định, tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng/tháng và tối đa là 20 triệu/ngày. Vậy nếu chủ ví cần dùng nhiều hơn số tiền này thì dự thảo nên cân nhắc về hạn mức tối đa giao dịch ví của điện tử.

Còn ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam thông tin, đến năm 2025 thì thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ 3 ở khu vực ASEAN, tức là đứng sau Indonesia và Thái Lan; đồng thời quy mô của nền thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt tới 33 tỷ USD.

Tuy nhiên, để đạt được điều này sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố; trong đó, yếu tố quan trọng là vấn đề thanh toán trực tuyến. Hiện nay, quy mô thương mại điện tử mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, nhưng đã gặp rất nhiều vấn đề trong việc thanh toán trực tuyến. Có thể nói việc thanh toán đã trở thành câu chuyện lớn nhất trong thương mại điện tử.

Đề xuất hoàn thiện dự thảo, ông Hưng cho rằng, tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng/tháng với điều kiện hiện nay là thỏa đáng. Nhưng vấn đề là hoạt động kinh doanh thay đổi rất nhanh, nên khi mở ví điện tử, các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử mặc định đặt ngưỡng đóng là 100 triệu đồng/tháng và nếu cá nhân nào có như cầu cao hơn thì có quyền mở thêm. Ngân hàng Nhà nước sẽ nắm bắt tình hình thực tế và điều chỉnh nếu gây ảnh hưởng nhiều.

Thống kê của NHNN cho thấy giá trị giao dịch bình quân thực tế của một ví điện tử là 58.870 đồng/ngày và 1,7 triệu đồng/tháng, số lượng giao dịch cũng rất khiêm tốn. Theo ông Phạm Tiến Dũng, nếu áp dụng mức 100 triệu đồng/tháng, có nghĩa đã tăng hơn 500% so với mức thực tế hiện nay, nên hạn mức này là phù hợp. Sau 5 năm nữa, nếu hạn mức này không phù hợp, có thể sửa đổi.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nên cân nhắc về hạn mức tối đa giao dịch ví của điện tử"