Sáng 25/2, tại TP Đà Nẵng, TANDTC phối hợp cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức buổi tọa đàm nhằm nâng cao kỹ năng giải quyết các vụ việc tại Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền phát biểu khai mạc tọa đàm
Tọa đàm do đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC chủ trì với sự tham gia thuyết trình của chuyên gia trong nước cùng các chuyên gia quốc tế đến từ Nhật Bản, cùng các cán bộ TANDTC có liên quan.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cho biết ngày 21/01/2016, Chánh án TANDTC đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-CA quy định việc tổ chức các Toà chuyên trách tại TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. Trong đó, quy định cụ thể về thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Cụ thể, tháng 4/2016, TAND TP Hồ Chí Minh là Tòa án địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên. Tháng 6/2018, Tòa này tiếp tục được thành lập tại TAND tỉnh Đồng Tháp.
Ngày 21/9/2018, TANDTC đã ban hành Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
“Việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên là một trong những giải pháp có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Tòa án cũng như công tác xét xử, giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên. Việc giải quyết tốt các vấn đề thuộc quan hệ gia đình, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với việc chăm sóc, giáo dục con cái, sẽ góp phần hạn chế, ngăn ngừa trẻ em vi phạm pháp luật, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển thể chất và nhân cách, góp phần vào sự ổn định chung của toàn xã hội”, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cho biết thêm.
Bà Sakiko Kamada, chuyên viên JICA trình bày sơ lược về cơ cấu Tòa án tại Nhật Bản
Tại buổi tọa đàm, bà Sakiko Kamada, chuyên viên JICA giới thiệu sơ lược về hệ thống tòa án, cũng như tòa gia đình tại Nhật Bản. Theo đó, hệ thống tổ chức Tòa án tại Nhật Bản được chia làm 5 cấp gồm Tòa án tối cao, Tòa án cấp cao, Tòa án địa phương cấp tỉnh, Tòa án gia đình và Tòa án giản lược. Trong đó, tòa án gia đình là tòa án chuyên giải quyết các vụ việc liên quan đến gia đình và vụ việc mà tội phạm là người chưa thành niên.
Trong năm 2017, Tòa án Nhật Bản thụ lý mới 139.274 vụ việc hòa giải gia đình, số vụ việc gia đình giải quyết theo thủ tục giống với “phiên họp giải quyết việc dân sự” trong tố tụng dân sự Việt Nam đạt 863.886 vụ việc, hòa giải thành 72.031 vụ việc với thời gian giải quyết trung bình gần 5.8 tháng.
“Với mục đích “đưa bình yên đến với gia đình, đưa tình thương đến với thiếu niên”, Tòa án gia đình không chỉ đứng từ góc độ pháp luật mà còn phải đứng từ góc độ khoa học và chuyên môn như tâm lý học và giáo dục học để làm sáng tỏ nguyên nhân và bối cảnh của vụ việc, nhằm đưa ra cách giải quyết phù hợp đối với từng vấn đề, tác động tới đương sự để không tái xảy ra tranh chấp hoặc tái phạm”, bà Sakiko Kamada, chuyên viên JICA chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Vụ, Phó vụ trưởng Vụ GĐKTIII – TANDTC trình bày tham luận về một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử
Về một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện xét xử Tòa gia đình tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Vụ, Phó vụ trưởng Vụ GĐKTIII – TANDTC cho rằng, vấn đề thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên đã được đặt ra trong những năm trước đây. Tuy nhiên, chỉ đến khi Luật tổ chức TAND năm 2014 ra đời thì Tòa gia đình và người chưa thành niên mới được quy định là một Tòa chuyên trách thuộc hệ thống TAND.
Trong quá trình triển khai hoạt động và thực tiễn đi vào xét xử của Tòa gia đình và người chưa thành niên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về cơ sở vật chất lẫn thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật. Nhiều địa phương, trụ sở Tòa án còn chật chội, kinh phí xây dựng còn hạn hẹp, đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về tâm sinh lý trẻ em nên chưa đáp ứng được yêu cầu để thiết lập theo mô hình mới.
Bên cạnh đó, ông Vụ cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của pháp luật khi xét xử với những vụ, việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên như xét xử các vụ án hình sự mà bị cáo chưa thành niên, các vụ án tranh chấp về hôn nhân gia đình, cũng như việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Theo dự kiến, Tọa đàm Nâng cao kỹ năng giải quyết các vụ việc tại tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ diễn ra từ ngày 25/2 đến ngày 1/3/2019 tại Đà Nẵng và Đồng Tháp. Trong khuôn khổ cuộc tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia từ Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục trình bày, thảo luận các nội dung liên quan như: thủ tục hòa giải đơn giản tại Tòa gia đình, các vụ việc mẫu về ly hôn, các vụ án về người chưa thành niên theo quy định Việt Nam và Nhật Bản,…