Thời gian qua, TANDTC đã thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án và sẽ tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện, đẩy mạnh công tác này trong TAND các cấp.
Bản án là văn bản tố tụng của Tòa án thể hiện thông tin về nội dung vụ án, pháp luật áp dụng, kết luận và quyết định của Tòa án về các vấn đề cần giải quyết trong một vụ án cụ thể. Bản án là sản phẩm thể hiện kết quả toàn bộ hoạt động tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Các thông tin thể hiện trong bản án phải đảm bảo tính chính xác; các lập luận, kết luận và các quyết định của Tòa án (Hội đồng xét xử) về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án phải cụ thể, chặt chẽ, lô- gic, có đầy đủ cơ sở thực tiễn và pháp luật.
Trong thời gian qua, TANDTC đã thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án. Đó là việc xây dựng Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/1/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự và Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP ngày 13/1/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng hành chính; Công văn số 155/TANDTC-PC về việc áp dụng thống nhất về thể thức và kỹ thuật trình bày các văn bản tố tụng.
Từ ngày 1/7/2017, các bản án, quyết định của TAND các cấp theo quy định tại Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Để thực hiện có hiệu quả quy định trên, TANDTC đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn viết bản án cho Thẩm phán, Thẩm tra viên TAND các cấp tại gần 800 điểm cầu. Hội nghị tập huấn là cơ hội để các Thẩm phán, Thẩm tra viên trong toàn quốc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc viết bản án nhằm hạn chế khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian vừa qua.
Hội nghị tập huấn viết bản án cho Thẩm phán, Thẩm tra viên TAND các cấp
Tuy nhiên, theo TANDTC, hiện nay còn không ít những bản án viết cẩu thả, không thống nhất theo mẫu hướng dẫn, không phản ánh hết các hoạt động tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án cũng như kết quả tranh tụng. Một số bản án còn sai sót về văn phong, chính tả, nhận định không sâu sắc, lập luận thiếu chặt chẽ, thậm chí có bản án giữa phần nhận định và phần quyết định còn mâu thuẫn với nhau.
Trong thời gian tới, TANDTC sẽ tiếp tục ban hành các mẫu bản án, quyết định về hình sự; tiếp tục hoàn thiện các mẫu bản án, quyết định dân sự, hành chính. Nghiên cứu ban hành các bản án, quyết định mẫu về hình sự, dân sự, hành chính; nghiên cứu, xây dựng các giáo trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng viết từng loại bản án, quyết định (về từng nhóm tội danh trong vụ án hình sự, từng nhóm quan hệ pháp luật trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính).
TANDTC cũng sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị tập huấn về kỹ năng viết bản án, quyết định cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, trong đó tập trung vào những hướng dẫn mới về bản án, quyết định như: Lập luận, nhận định, áp dụng, viện dẫn án lệ. Nghiên cứu, xây dựng “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng của bản án, quyết định của Tòa án”. Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí thi đua khen thưởng đối với các Thẩm phán có những bản án, quyêt định có tính chuẩn mực để khuyến khích Thẩm phán tự trau dồi, nâng cao kỹ năng viết bản án và kịp thời động viên các Thẩm phán có nhiều bản án, quyết định có tính chuẩn mực.
Đối với các Tòa án khác, tổ chức quán triệt nhằm thực hiện đúng các hướng dẫn về mẫu bản án, quyết định; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Thẩm phán đối với chất lượng của bản án, quyết định được ban hành. Định kỳ hàng quý/năm tổ chức các hội nghị tập huấn viết bản án cho các Thẩm phán thuộc quyền quản lý; tổ chức các cuộc họp chuyên đề hoặc kết hợp trong nội dung giao ban để tổng kết, rút kinh nghiệm đối với những sai sót trong việc viết bản án, quyết định của Thẩm phán.
Các Tòa án cần chủ động góp ý về những điểm chưa phù hợp trong các mẫu bản án do TANDTC ban hành để sửa đổi, hoàn thiện và áp dụng chung trong toàn hệ thống. Tổ chức phong trào thi đua về viết bản án, quyết định tại đơn vị và có hình thức khen thưởng phù hợp với các Thẩm phán thực hiện tốt nội dung này; đồng thời cũng cần xác định trách nhiệm đối với các Thẩm phán có nhiều bản án không đạt yêu cầu.