Mỹ và phương Tây đã đánh giá thấp ông Putin

23/03/2014 11:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước đây, Mỹ và các đồng minh từng hy vọng sẽ thiết lập được mối quan hệ đối tác với Tổng thống Nga Vladimir Putin, mặc dù trong con mắt của họ, ông Putin là một nhân vật thất thường và khó quan hệ.

Mỹ và phương Tây đã đánh giá thấp ông Putin

Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, việc ông Putin sáp nhập Crimea vào Nga, tỏ ra thách thức phương Tây và có bài phát biểu chỉ trích trật tự thế giới thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh cho thấy người đang lãnh đạo Điện Kremlin là một đối thủ đáng gờm của Mỹ và các đồng minh. Tổng thống Mỹ Barack Obama và các đối tác châu Âu đang phải đối mặt với những cáo buộc rằng họ đã bị Tổng thống Nga "qua mặt" và bất lực trước hành động bành trướng lãnh thổ của nhân vật vốn coi sự sụp đổ của Liên bang Xô viết là một thảm họa.

Nóng lòng muốn kết thúc các cuộc chiến tranh hao người tốn của, đồng thời lại bị "quấy nhiễu" bởi chủ nghĩa cực đoan, vấn đề phổ biến hạt nhân và sự suy giảm mạnh của nền kinh tế Mỹ, ông Obama đã quyết định "cài đặt lại" quan hệ với Nga vào năm 2009. Tuy nhiên, khi ông Putin trở lại cương vị tổng thống Nga cách đây 2 năm, chính sách "cài đặt lại" quan hệ với Nga của ông Obama đã lụi tàn do không nhận được sự ủng hộ từ phía ông Putin. Brent Scowcroft, cố vấn chính sách đối ngoại Mỹ, đã thừa nhận rằng ông - cũng như nhiều người khác - đã đánh giá sai về Putin.

Cho tới nay, Washington vẫn nhận được sự hỗ trợ của Putin trong cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học ở Syria và các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã bị ông phớt lờ khi ông sáp nhập khu vực Crimea của Ukraine vào Nga. Về mặt công khai, Nhà Trắng nói rằng động thái này của ông Putin chẳng có ý nghĩa gì, coi đó là hành động của một quốc gia trong thế kỷ 19 chứ không phải của một quốc gia hiện đại. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: "Tôi tin rằng những gì ông Putin và nước Nga đã làm là một sai lầm mang tính lịch sử". Tuy nhiên, Washington khẳng định Mỹ sẽ không tham gia vào trò chơi "có tổng bằng 0" trên bàn cờ địa chính trị với Putin.

Ông Putin chẳng cần để ý đến những quan điểm đó của Mỹ. Fiona Hill, nhà nghiên cứu của Viện Brookings và là tác giả của một cuốn sách viết về Putin, cho rằng quan điểm về thế giới của ông Putin được định hình trong quá trình ông được đào tạo tại KGB. Nhà nghiên cứu Hill nói: "Ông Putin cho rằng điều duy nhất ông cần là lợi ích của nước Nga". Jan Techau, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Carnegie ở châu Âu, nhận định rằng các nhà lãnh đạo của cả hai bờ Đại Tây Dương đều đã hiểu sai về ông Putin. Ông nói: "Cả người Mỹ và người châu Âu đều đánh giá thấp ý đồ thực sự của ông Putin". Hiện nay, phương Tây đã được ông Putin "đánh thức", như lời của Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen, và đang cân nhắc về một kiểu quan hệ mới với Nga.

Trong chuyến công du châu Âu vào tuần tới, Tổng thống Mỹ Obama chắc chắn sẽ phải tái khẳng định cam kết bảo đảm an ninh cho các quốc gia thời kỳ hậu Xô viết vốn là thành viên của NATO. Đó đồng thời sẽ là thông điệp gửi tới Moskva rằng các hành động xâm chiếm lãnh thổ sẽ không được khoan thứ. Ngày 20/3, ông Obama đã ban hành các lệnh trừng phạt mới nhằm vào các quan chức và các doanh nhân người Nga mà Washington coi là những "coi rối" trong tay ông Putin, đồng thời bày tỏ ý định viện trợ cho nền kinh tế mong manh của Ukraine. Quan hệ thương mại, quân sự và ngoại giao của Mỹ với Nga cũng đang bị "đóng băng". Tuy vậy, ông Obama vẫn hy vọng sẽ duy trì được các mối quan hệ đối tác ngoại giao với Nga trong nhiều vấn đề, chẳng hạn như trong các cuộc đàm phán hạt nhân Iran.  

TTTK

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ và phương Tây đã đánh giá thấp ông Putin