Kỳ 2: Phá sản âm mưu dùng biện pháp phi vũ lực bóp nghẹt chương trình hạt nhân của Trung Quốc
Trước khả năng Bắc Kinh sở hữu vũ khí hạt nhân, việc đầu tiên mà giới chức Oasinhtơn nghĩ tới là dùng biện pháp phi vũ lực bóp chết chương trình hạt nhân của Trung Quốc. Mỹ dự định thông qua việc ký hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân với Liên Xô để Mátxcơva gây áp lực buộc Bắc Kinh phải chấm dứt chương trình hạt nhân của mình. Tháng 1/1963, trong khi thảo luận các vấn đề liên quan tới hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân, Tổng thống Kennedy đã bày tỏ một cách rõ ràng rằng vấn đề mà ông ta đặc biệt quan tâm là làm thế nào để ngăn chặn việc Trung Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Kennedy tuyên bố cho dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ có trong tay một số lượng rất ít vũ khí hạt nhân thì "đối với chúng ta cũng rất nguy hiểm". Tháng 2/1963, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế, P. Nitze, đã trình lên Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đề nghị hội đồng này nghiên cứu khả năng sử dụng các biện pháp như khuyên răn, gây áp lực và uy hiếp buộc Trung Quốc ký hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân. Đề nghị của Nitze đã nhận được sự ủng hộ của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ và hội đồng này cũng đưa ra một loạt biện pháp hòa bình nhằm đạt được mục tiêu một nước Trung Quốc phi hạt nhân.
Mô hình quả bom nguyên tử đầu tiên do Trung Quốc chế tạo.
Tháng 7/1963, vừa tới Mátxcơva được một ngày để tham dự đàm phán về hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân với phía Liên Xô, Trợ lý Quốc vụ khanh Mỹ W.Harriman đã nhận được chỉ thị của Tổng thống Kennedy "tìm mọi cách xác minh quan điểm của Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev về việc hạn chế hoặc ngăn chặn Trung Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân và thăm dò xem việc này sẽ do Liên Xô làm hay phải để Mỹ ra tay". Theo điện trả lời của Harriman, Khrushchev cho rằng trong bối cảnh nước Pháp vẫn chưa ký hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân thì việc đe dọa buộc Trung Quốc phải làm việc đó sẽ khó có thể được chấp nhận. Hơn nữa, một khi Trung Quốc đã sở hữu vũ khí hạt nhân rồi thì sẽ không thể cứ "hô to hét lớn" như hiện nay được nữa.
Bia đánh dấu nơi đặt căn cứ nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc ở Thanh Hải.
Ngày 25/7/1963, tại Mátxcơva, đại diện 3 nước Mỹ, Anh và Liên Xô ký hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân trong bầu khí quyển, trong vũ trụ và dưới nước, trong đó đề cập tới hai nội dung chủ yếu là: 1/ các nước ký hiệp ước không tiến hành những thí nghiệm hạt nhân mà hiệp ước cấm; 2/ không dung túng nước khác tiến hành thử nghiệm hạt nhân.
Chưa đầy một tuần sau (ngày 31/7), Trung Quốc lên tiếng phản đối hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân trong bầu khí quyển, trong vũ trụ và dưới nước, chỉ trích 3 nước Mỹ, Anh và Liên Xô mưu đồ thông qua công cụ này để củng cố sự lũng đoạn hạt nhân của mình, đồng thời tuyên bố Trung Quốc không chịu sự hạn chế của hiệp ước và Liên Xô không thể thay Trung Quốc đưa ra bất cứ sự cam kết nào. Lập trường cứng rắn của Bắc Kinh đã chính thức đánh dấu chấm hết cho âm mưu dùng biện pháp phi vũ lực bóp chết chương trình hạt nhân Trung Quốc của Oasinhtơn và cho thấy quyết tâm của nước này trên con đường làm chủ công nghệ hạt nhân. Nhưng liệu người Mỹ sẽ bó tay đứng nhìn Trung Quốc bước vào hàng ngũ những quốc gia hạt nhân?
Đón đọc kỳ sau: Lý do nào khiến Mỹ từ bỏ kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc?