Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định việc quan tâm đến gia đình là đúng vì “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt".
Quán triệt tư tưởng của Người, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam.
Gia đình tốt, xã hội tốt
Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.
Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ảnh minh họa
Có thể nói, gia đình là “hộ” - đơn vị kinh tế - xã hội, là nơi sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống gia đình và xã hội và cũng là nơi sản sinh ra con người, tái sản xuất sức lao động; là tổ ấm đầu tiên nuôi dưỡng, hình thành nhân cách con người. Và ngày nay, gia đình không còn là vấn đề cá biệt, riêng lẻ nữa, mà trở thành vấn đề chung của quốc gia và quốc tế.
Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các cấp uỷ Đảng và chính quyền cũng đã chủ động rà soát, đánh giá tình hình công tác quản lý Nhà nước về gia đình tại địa phương, xác định công tác gia đình là một nội dung quan trọng, nhiệm vụ thường xuyên khi xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương.
Gia đình Việt Nam đang được xây dựng với những giá trị nhân văn tiến bộ theo tiêu chí ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Quy mô gia đình ít con ngày càng được xã hội chấp nhận như một chuẩn mực. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên dân chủ và cởi mở hơn. Quyền và lợi ích của mỗi cá nhân ngày càng được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Sự thay đổi này nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội mới.
Gia đình Việt Nam đang tiếp thu và xây dựng nên những giá trị nhân văn mới mà tiêu biểu là quyền bình đẳng giới và quyền trẻ em. Trách nhiệm giữa nam và nữ trong việc chăm lo đời sống gia đình được chia sẻ và tôn trọng. Tỷ lệ phụ nữ cùng tham gia quyết định các công việc quan trọng của gia đình như sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ngày càng cao.
Nâng cao vai trò của gia đình trong xã hội hiện đại
Ngày nay, chúng ta thường nói nhiều đến sự phá hủy môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái nhưng lại ít cảnh giác với những sự hủy hoại chính bản chất sự sống của con người, hủy hoại các giá trị sống, các giá trị nhân đạo vốn liên kết con người với nhau thành xã hội, trong đó có giá trị gia đình.
Những năm gần đây, sự tôn trọng gia đình ở nhiều tầng lớp xã hội đang bị giảm sút mạnh mẽ. Tình trạng con cái bất hiếu với cha mẹ, cha mẹ mải làm ăn kiếm tiền, không quan tâm giáo dục con cái, vợ chồng không chung thủy, cha mẹ ly thân, ly hôn làm con cái chán nản, cảm thấy mình bị bỏ rơi, mặc cảm về gia đình gia tăng…
Điều này có những nguyên nhân từ cơ sở xã hội, từ sự nhận thức và cũng từ chính bản thân sự kém bền chặt của gia đình.
Để nâng cao giá trị gia đình, theo GS. Lê Thị Quý: “Chúng ta phải giáo dục cho các thế hệ mai sau những nguyên tắc “tình nghĩa” trong việc xử lý những mối quan hệ gia đình. Cần phải có các hình thức biểu dương những tấm gương gia đình tình nghĩa, xây dựng những chuẩn mực văn hóa gia đình mới, đưa những chuẩn mực này lên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Cũng theo GS. Lê Thị Quý, việc củng cố và nâng cao vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội còn tùy thuộc vào sự củng cố tính bền vững của gia đình, năng lực tự bảo vệ và phát triển của gia đình trước những biến động phức tạp của xã hội. Về phương diện này, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các gia đình văn hóa phù hợp với những đòi hỏi với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Đức hy sinh, tính bản thiện, sự quan tâm tới mọi người và nhân cách cao thượng của ông bà, mẹ cha có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành và phát triển nhân cách của con trẻ.
Sẽ không có những đứa con vô cảm, không quan tâm đến gia đình, cộng đồng và đất nước nếu như mẹ cha luôn là những người biết chăm lo cho người khác. Nếu cha mẹ biết chăm lo gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, yêu nguồn cội tổ tiên, có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, sôi nổi thì chắc chắn con cái họ cũng sẽ biết tôn trọng và gìn giữ truyền thống ông cha. Giá trị truyền thống của gia đình Việt sẽ luôn luôn tỏa sáng bởi sự gắn kết, sẻ chia và tình yêu thương của ông bà, mẹ cha, con cái.
Bên cạnh đó, việc đưa những nội dung giáo dục các giá trị gia đình truyền thống vào cuộc sống học tập, sinh hoạt thường ngày của trẻ trong gia đình và cộng đồng là hết sức cần thiết. Để giữ gìn và truyền dạy các giá trị tốt đẹp của gia đình cho thế hệ trẻ, chúng ta cũng không thể không đẩy mạnh công tác truyền thông.