Phương thức mua sắm tài sản nhà nước truyền thống đang phổ biến ở Việt Nam đã dần bộc lộ nhiều hạn chế. Lời giải cho việc khắc phục những tồn tại và nâng cao hiệu quả quản lý tài sản nhà nước chính là phương thức mua sắm tài sản nhà nước tập trung.
Mua sắm tập trung: Hướng đi tất yếu
Ngày 27/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký Quyết định quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung. Đây chính là “bảo bối” để chống tham nhũng, lãng phí trong mua sắm công đang được người dân mong đợi.
Ông Nguyễn Hồng Chung chuyên gia đấu thầu – Tư vấn trưởng Trung tâm tư vấn và hỗ trợ đấu thầu Davilaw
Theo Ông Nguyễn Hồng Chung chuyên gia đấu thầu – Tư vấn trưởng Trung tâm tư vấn và hỗ trợ đấu thầu Davilaw: “Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Việc mua sắm tập trung phải được thực hiện thông qua đơn vị mua sắm tập trung thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực thì đơn vị mua sắm tập trung thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thực hiện việc lựa chọn nhà thầu”.
Về cách thức thực hiện mua sắm tập trung, khoản 3, Điều 44 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định, mua sắm tập trung được thực hiện theo một trong hai cách.
Một là, đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Hai là, đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, ký văn bản thỏa thuận khung với một hoặc nhiều nhà thầu được lựa chọn làm cơ sở để các đơn vị có nhu cầu mua sắm trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Như vậy với những quy định như trên thì có thể thấy việc tổ chức mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung thông qua một đơn vị mua sắm với khối lượng hàng hóa lớn thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ tham gia, từ đó góp phần phòng, chống tham nhũng trong mua sắm tài sản nhà nước.
Triển vọng từ áp dụng mua sắm tập trung
Theo Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, sau gần 6 năm triển khai thí điểm tại 24 bộ, ngành, địa phương, việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung đã chứng tỏ rõ những hiệu quả quan trọng và cho thấy đây là một hướng đi đúng, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Bộ Tài chính, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung
Hiệu quả có thể nhận thấy rõ nhất chính là việc tiết kiệm ngân sách nhà nước. Theo số liệu tổng hợp trong 5 năm, chênh lệch giữa dự toán và số thực tế mua sắm của các bộ, ngành, địa phương tham gia thí điểm là hơn 467 tỷ đồng.
Cũng theo Ông Nguyễn Hồng Chung: “Những tác động tích cực của việc thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung trước hết sẽ góp phần tiết kiệm chi ngân sách nhà nước do mua sắm số lượng lớn sẽ giảm giá mua và giảm chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu.
Thêm vào đó, phương thức này còn khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả. Đồng thời, hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm công do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch và chỉ thông qua một số đầu mối tổ chức mua sắm thay vì hang chục nghìn đầu mối mua sắm như hiện nay sẽ giảm các chi phí lựa chọn nhà thầu”.
Trong thời gian tới thực hiện quyết liệt Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và khi phương thức mua sắm tập trung đi vào vận hành một cách chuyên nghiệp sẽ giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công; tiết kiệm chi ngân sách do giảm giá mua, giảm chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu; Khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả; Hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm công do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch; góp phần thực hiện mục tiêu chi tiêu công có hiệu quả.
Đặc biệt, với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng chống tham nhũng, lãng phí trong mua sắm công được tăng cường do số lượng cơ quan, đơn vị thực hiện mua sắm công giảm lớn; qua đó góp phần giải quyết được các mục tiêu kinh tế vĩ mô thông qua chính sách và thực hiện gắn với mua sắm công tập trung.