Do ảnh hưởng của mưa lũ đã có 6 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và Thanh Hóa bị thiệt hại về người và tài sản; tỉnh Hà Tĩnh thiệt hại do dông sét.
Cụ thể, có 7 người chết trong đó có 3 người chết do sạt lở đất (Bắc Kạn 2 người, Thanh Hóa 1 người), 3 người chết do lũ cuốn trôi (Điện Biên 2 người, Lào Cai 1 người), 1 người chết do sét đánh tại Hà Tĩnh, 1 người mất tích do lũ cuốn trôi tại Lào Cai, 4 người bị thương (Yên Bái 3 người, Lào Cai 1 người).
Có 19 nhà bị sập (Thanh Hóa 11 nhà, Sơn La 7 nhà, Yên Bái 1 nhà), 82 nhà bị ngập và hư hại (Thanh Hóa 34 nhà, Hòa Bình 24 nhà, Sơn La 14 nhà, Yên Bái 7 nhà, Lào Cai 3 nhà); 512 ha lúa và10 ha hoa màu bị ngập úng, vùi lấp; 1300 m 3 đất đá tại một số tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn ở các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La và Thanh Hóa bị sạt lở.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Quốc hội cũng đã đến tỉnh Lào Cai để kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, thăm hỏi, tặng quà. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức 2 đoàn đến tỉnh Lào Cai thăm hỏi, động viên gia đình có người mất và cứu trợ các gia đình bị thiệt hại trong đợt mưa lũ sau bão số 2 vừa qua (ước tính khoảng 700 triệu đồng). Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi gia đình có người bị chết; tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai và tổ chức đánh giá thiệt hại.
Sạt lở nghiêm trọng trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoa Mai
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hiện dải hội tụ nhiệt đới đi qua Bắc Bộ nối với vùng áp thấp có vị trí lúc 7 giờ sáng nay ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc, 116 độ Kinh Đông đang di chuyển về phía Vịnh Bắc Bộ và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái sẽ xuống mức 29,70 m (dưới BĐ 1: 0,30 m) vào sáng 16/8; trên sông Mã tại Lý Nhân lên mức 9,0 m (dưới BĐ 1: 0,5 m), trên sông Bưởi tại Kim Tân lên mức 9,0 m (dưới BDD1: 1,0m) vào trưa ngày 15/8, sau đó xuống.
Từ ngày 16-19/8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa lớn trên diện rộng với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mmm. Trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-6m, mực nước đỉnh lũ ở mức BĐ1 đến BĐ2, ở hạ lưu từ 2 đến 3m; thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 4-6m, ở hạ lưu từ 2-4 m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, ngập úng ở vùng trũng, sạt lở đất ở khu vực vùng núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc, vùng núi phía Tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
Trước tình hình mưa, lũ đang diễn ra. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; chuyển các tin dự báo, cảnh báo tới các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương thông qua hệ thống tin nhắn.
Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ chủ động theo dõi diễn biến tình hình mưa, lũ để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh. Tiếp tục khắc phục thiệt hại do mưa, lũ gây ra, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, nhất là công trình đê điều, hồ đập; có phương án đảm bảo tiêu thoát nước khi xảy ra mưa lớn tại vùng thấp trũng và khu vực đô thị.
Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh thông báo cho ngư dân, tàu thuyền hoạt động trên biển và neo đậu tại bến biết tình hình diễn biến thời tiết về vùng xoáy thuận ở vịnh Bắc Bộ để chủ động phòng tránh, quản lý thông tin tàu thuyền ra khơi và điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp, đảm bảo an toàn, hiệu quả.