Với vị trí là cơ quan trung tâm trong hệ thống tư pháp, thực hiện chức năng xét xử, Tòa án được xem là một thiết chế hữu hiệu để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và các lợi ích của quốc gia.
Yêu cầu đặt ra và làm cơ sở để đánh giá hiệu quả của công tác xét xử là phải khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.
Muốn vậy, theo lãnh đạo Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đây là một nguyên tắc hoạt động đặc thù của Tòa án được ghi nhận trong Hiến pháp.
Căn cứ tình hình hiện nay, để nâng cao tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm, nâng cao hoạt động xét xử, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội cho rằng cần làm tốt một số nội dung sau:
Tiếp tục đảm bảo cơ chế thực hiện quyền xét xử của Tòa án các cấp thống nhất trong cơ chế tổng thể thực hiện quyền lực Nhà nước. Yêu cầu tiên quyết là phải đảm bảo cho Tòa án độc lập, chỉ tuân theo pháp luật trong việc thực hiện chức năng xét xử. Tòa án có độc lập thì Thẩm phán, Hội thẩm mới có thể độc lập. Để đáp ứng yêu cầu này, cần phải giải quyết nhiều mối quan hệ giữa Tòa án và các cơ quan quyền lực Nhà nước khác; Tòa án với các cơ quan tiến hành tố tụng; mối quan hệ giữa các cấp Tòa án, giữa lãnh đạo Tòa án với các Thẩm phán, Hội thẩm - người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ xét xử… Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện mối quan hệ lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xét xử của Tòa án và trong các mối quan hệ đối với các cơ quan Nhà nước khác theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị.
Hệ thống Tòa án cần chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việc thực hiện thành công Đề án sẽ là điều kiện thuận lợi cho hệ thống Tòa án nâng cao năng lực và vị thế của mình, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đồng thời tạo bước phát triển mới của hệ thống TAND.
Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
Hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn Hội thẩm theo hướng quy định người được bầu hoặc cử làm Hội thẩm cần phải có trình độ pháp lý nhất định, ví dụ phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn về pháp lý hoặc phải trải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật có thời hạn; đồng thời Tòa án cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn cho Hội thẩm. Bên cạnh đó, cần có những thay đổi trong quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính về cơ chế hoạt động của Thẩm phán và Hội thẩm. Theo đó, số lượng Thẩm phán tham gia Hội đồng xét xử tăng lên, số lượng Hội thẩm giảm xuống theo tỷ lệ 2 Thẩm phán và 1 Hội thẩm; Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và quyết định giải quyết các vấn đề của vụ án theo đa số.
Cần xây dựng quy chế quản lý, giám sát đối với Thẩm phán và Hội thẩm trong việc thực thi nhiệm vụ, nếu áp dụng không đúng các quy định của pháp luật cần phải có biện pháp chế tài hành chính cụ thể nhằm tránh áp dụng pháp luật một cách tùy tiện theo ý chí chủ quan của Thẩm phán và Hội thẩm; giữ gìn phẩm chất đạo đức và nâng cao năng lực, trình độ của Thẩm phán; cần xây dựng nguyên tắc miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với Thẩm phán nếu họ không phạm vào các tội thuộc Chương XXII - Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp của Bộ luật Hình sự và tạo các điều kiện thuận lợi để các Thẩm phán yên tâm thực hiện nhiệm vụ xét xử, đảm bảo an toàn tuyệt đối cơ quan Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm và gia đình họ khi thi hành công vụ.
Ngoài ra, Tòa án cần tăng cường tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, cập nhật các văn bản pháp luật cho Thẩm phán các cấp. TANDTC cần quan tâm nhiều hơn nữa đối với công tác tổng kết thực tiễn và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật bằng các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán để Tòa án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật. Nghiên cứu, sửa đổi một cách tổng thể chế độ tiền lương và đãi ngộ cho Thẩm phán, Hội thẩm. Theo đó, chế độ tiền lương cho Thẩm phán phải được thiết kế theo một ngạch riêng, không đồng nhất với ngạch công chức chung. Nhà nước phải đảm bảo về đời sống vật chất cần đủ cho đội ngũ Thẩm phán để tránh những cám dỗ vật chất. Tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán cần công khai, minh bạch, nghiêm ngặt, khắt khe và cạnh tranh. Đồng thời, đảm bảo sự ổn định trong nhiệm kỳ của Thẩm phán.
Tóm lại, mục đích cao nhất của việc xét xử vụ án là khách quan, đúng pháp luật. Muốn vậy, hoạt động xét xử phải được định hướng, chỉ đạo bằng những nguyên tắc hiến định, trong đó nguyên tắc đặc trưng nhất bảo đảm cho việc xét xử khách quan, chính xác được ghi nhận trong hầu hết pháp luật các nước trên thế giới là nguyên tắc “độc lập xét xử”. Theo đó, yêu cầu của nguyên tắc là các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng phải tôn trọng, thực hiện. Để nâng cao hiệu quả của việc thực hiện nguyên tắc cần có những giải pháp đồng bộ, khả thi. Các giải pháp này cần phải xác định phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp, quan điểm về Nhà nước pháp quyền được đề ra trong chủ trương chính sách của Đảng.
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhiệm vụ cơ bản, quan trọng và lâu dài của hệ thống chính trị. Để đạt được mục tiêu này yêu cầu phải nhận thức một cách toàn diện về quyền tư pháp, nâng cao vị thế của quyền tư pháp, của Tòa án, của Thẩm phán và Hội thẩm. Có như vậy, nguyên tắc “khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” mới có ý nghĩa và được bảo đảm một cách đích thực.