Mốt bồ nhí và đạo đức công chức

Tạ Duy Anh (Công lý và xã hội)| 01/11/2013 09:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cụm từ “bồ nhí” chắc chắn có xuất xứ từ miền Nam. Bằng chứng là trước năm 1975, người miền Bắc không có trong ngôn ngữ của mình danh từ thời thượng này.

Hẳn thiên hạ vẫn còn nhớ, cách nay hơn chục năm, một ông cán bộ tham ô và làm thất thoát của nhà nước tới 300 tỷ đồng và phải nhận mức án cao nhất là tử hình. Giống như những kẻ lắm tiền khác, ông ta cũng có một cô bồ nhí, là nữ diễn viên vào loại có nhan sắc. Dư luận bị sốc nặng khi biết đại gia tử tù quẳng ra gần 3 tỉ đồng (số tiền rất khó tưởng tượng hồi ấy) để mua cho cô ta một căn biệt thự. Chắc chắn cô bồ nhí nọ cũng góp phần đẩy tên quan tham kia xuống hố phía sau cột bắn nhanh hơn.

Bài học đó tưởng đáng để những kẻ đi sau suy ngẫm mà tránh. Nhưng từ bấy đến nay, vấn đề bồ nhí chưa bao giờ vơi bớt tính thời sự không chỉ của riêng giới lắm tiền. Thậm chí ở ta, có bồ nhí đã trở thành mốt thời thượng của các đại gia, nhất là những ông quan tham vơ tiền dễ hơn vơ bèo. Ông quan tham trong trường hợp vừa kể ở trên chỉ là người không may. Còn vô vàn những “đồng chí chưa bị lộ” dính vào chuyện bồ nhí và vẫn đang ngày ngày đóng góp không nhỏ vào việc làm tan nát kỷ cương phép nước.

Chúng ta có đủ chứng cứ-thông qua các vụ scandal-để đi đến kết luận: Những ông quan nhất định phải có bồ nhí phần lớn là những kẻ chả có tài cán, đức độ gì. Gọi chung là bọn quan đầu đất. Họ tiến thân chủ yếu bằng những con đường trong bóng tối. Không có tiền lo lót mua bằng cấp, chạy chọt các cửa thì có bài gọi dạ, bảo vâng, thuộc lòng những câu khẩu hiệu. Theo cách của ốc sên, cuối cùng họ cũng bò lên được những vị trí quyền lực nào đó. Tại đây, việc đầu tiên là loại bỏ đối thủ, phần lớn là những người tài đức hơn mình, không bẩn như mình, không chịu là đồ đệ, cánh hẩu với mình. Bài tiếp theo là vơ vét. Tốc độ vơ vét phụ thuộc vào những cơn đói tiền. Chả mấy chốc túi tham của họ cũng rủng rỉnh. Đã bất tài lại vô hạnh thì chỉ cần có tí quyền trong tay, lại có nhiều tiền, là hư hỏng cầm chắc. Thay vì vắt óc nghĩ cách làm lợi cho đất nước-mà có muốn làm thế họ cũng không đủ khả năng để làm- họ quay ra điên cuồng hưởng thụ. Càng bất tài, càng cảm thấy mình thua kém về trí tuệ càng phải đắp đủ thứ cao sang vào người. Nhà lầu, xe hơi, các loại đồ hiệu, trang trại, biệt thự ở nước ngoài…rồi thì cũng có đủ. Phải cần đến một thú chơi mang phong vị đế vương, không bao giờ chán. Đó chính là cặp bồ với những giai nhân. Một bên có thứ trời cho là nhan sắc, một bên có thứ thời cuộc cho là tiền bạc. Không phải là trai anh hùng gặp gái thuyền quyên đầy lãng mạn, đáng để dấn thân cho cuộc phiêu lưu, mà cặp bồ nhí thực chất là kẻ cắp gặp giống buôn tình. Mỗi cuộc ăn nằm là một thương vụ. Vì thế khi đại gia vào kho hoặc xuống âm ti, mọi người cũng lập tức được thấy bồ nhí của ông ta “chung tình” với người khác nhanh như thế nào.

Mốt bồ nhí và đạo đức công chức

Ảnh minh họa

Nhưng cặp bồ nhí hoàn toàn không chỉ để đại gia nào đó thỏa mãn tình dục. Bởi có tiền mua tiên còn được nữa là gọi một cô ca-ve cao cấp thuần thục trong các thủ thuật làm tình sẵn sàng phục vụ bất cứ lúc nào. Bồ nhí là một thú chơi xa xỉ của giới quan tham. Trước hết nó ngầm xác nhận ông ta có khả năng làm mọi điều mình thích. Cũng là một cách vớt vát lại phần nào tuổi trẻ bị chính mình bán rẻ cho những mục tiêu hoạn lộ hèn hạ, trong đó không thiếu kẻ phải sử dụng cả đến “nhục tình kế”, một hình thức bán thân trá hình. Ngoài ra, nó chứng tỏ sức mạnh vô địch của tiền bạc, thứ mà bất cứ ông quan tham nào cũng lấy làm lý tưởng. Nhưng theo tôi, điểm mấu chốt nhất của hiện tượng quam tham có bồ nhí ở những đất nước như chúng ta, chính là cách họ chạy trốn nỗi sợ bị trừng phạt và sự vô nghĩa của đời người. Kẻ ăn cắp nào, dù một tay có thể đủ che lấp cả bầu trời, thì cũng không bao giờ đủ tự tin để chắc chắn về tương lai yên bình, mà luôn nơm nớp lo sợ bị lôi ra ánh sáng. Cả một đời giành cho việc dùng mưu mô đểu giả để vơ vét, bớt xén, móc túi thiên hạ…còn gì vô nghĩa hơn nếu chỉ để ních đầy túi tham. Tiền là tài sản. Nhưng tiền hoàn toàn có thể chỉ là những tờ giấy khi nó quá nhiều và có thể nhặt ở bất cứ chỗ nào, chẳng hạn như trường hợp của Dương Chí Dũng.

Khoan hãy hỏi liệu còn bao nhiêu kẻ như ông ta chưa bị lôi cổ ra trước vành móng ngựa và vẫn đang ngày ngày đục rỗng cái đất nước này? Khoan hãy hỏi ngoài con số gần 30 tỷ đồng, trước đó và sau đó Dương Chí Dũng cùng đồng bọn, chắc chắn là đông nhung nhúc, vơ vét ngần nào nữa trong cái kho chả lấy gì làm sung túc của quốc gia này. Khoan hãy hỏi, với việc vác tiền thuế của dân nghèo, thông đồng với ngoại bang mua cái cục sắt vụn được gọi là ụ nổi ấy chỉ với mục đích rút ruột hợp pháp, ông ta và những tên quan tham mạt hạng có đáng bị khép vào tội phản bội tổ quốc? Cũng đừng vội hỏi vì sao một kẻ mặt trơ trán bóng tham tàn như vậy lại diện áo cổ cồn cắm vòi sâu và lâu đến thế để hút mỡ máu đồng bào mà không bị ai chỉ mặt và liệu có vấn đề che giấu tội phạm của bồ nhí ông ta? Trước hết hẵng quan tâm xem, còn có cách nào vơ tiền dễ hơn cách kéo từng va li đầy chặt những tờ bạc mệnh giá lớn về nhà mình và tại sao chúng ta lại cứ để điều khủng khiếp ấy xảy ra một cách quá đơn giản như vậy?

Ở đây chúng tôi đang muốn nói đến sự rệu rã đã đến mức báo động đỏ của nền đạo đức công chức Việt Nam. Những quốc gia có bộ máy công chức hiện đại và hiệu quả, bên cạnh không gian rất rộng cho tự do bày tỏ quan điểm và sở thích cá nhân, là một cái khung đạo đức công chức cực kỳ gò bó. Nó gò bó và chặt chẽ về nguyên tắc đến nỗi không phải ai cũng chịu đựng được sự đánh đổi để chấp nhận làm công chức. Khi Tổng thống Bill Clinton bị đồn thổi đã cắt tóc với mức giá tới 200 USD (tất nhiên là bằng tiền túi của ngài Tổng thống), lập tức ông gặp rắc rối với dư luận như những gì chúng ta biết qua hồi ký “My Life” của ông. Người dân Mỹ, với ý thức danh dự về quốc gia cao độ, không cho phép và không chấp nhận Tổng thống của họ hành xử như một kẻ ăn chơi hoang phí. Điều đó chỉ chứng tỏ, có rất nhiều thứ người bình thường thoải mái làm (miễn là không phạm luật), nhưng công chức thì không, tuyệt đối không.

Nhưng ở ta, điều đó nói ra chỉ đáng làm trò cười, nhất là với những người tự cho mình quyền đặt ra luật lệ, sẵn sàng vung tiền Nhà nước cho các cuộc ăn nhậu, gái gú thâu đêm suốt sáng. Vì thế việc Dương Chí Dũng ném ra cả triệu USD mua nhà riêng cho bồ nhí chỉ là chuyện nhỏ (có thể cũng chỉ đáng là số tiền nhỏ so với những gì ông ta ăn cắp), trong một câu chuyện kinh thiên động địa hơn nhiều là tại sao ông ta dám cho mình có cái quyền đốn mạt ấy? Phát hiện Dương Chí Dũng có bồ nhí chắc chắn dễ gấp một triệu lần (vì có cả trăm ngàn cặp mắt) việc ông ta lập trận đồ bát quái để móc túi Nhà nước. Đáng lẽ nó phải được coi là hành động ngăn chặn. Nhưng chẳng ai đủ nghiêm túc và trong sạch để làm việc đó. Thậm chí việc làm của Dương Chí Dũng còn nhận được rất nhiều sự đồng lõa ngầm không chỉ của những người có trách nhiệm quản lý ông ta, mà còn của cả một bộ phận xã hội với tư cách là lực lượng giám sát?

Dương Chí Dũng (và những kẻ như ông ta) đáng bị lên án, trước khi nhận một bản án hình sự nghiêm khắc. Nhưng liệu trong chúng ta, có ai không liên đới ít nhiều đến thói quen ăn cắp, ăn chơi trác táng của “một bộ phận không nhỏ” quan chức nước nhà?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mốt bồ nhí và đạo đức công chức