Mở rộng áp dụng hình phạt tiền với tội phạm kinh tế, tham nhũng

Trung Phương| 14/03/2014 13:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hai án tử hình trong vụ án xảy ra ở Công ty Cho thuê tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy pháp luật đã xử lý nghiêm minh đối với tội phạm tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia pháp luật, với tội phạm kinh tế, tham nhũng, bên cạnh việc trừng trị, thì khâu phòng ngừa cũng rất quan trọng.

Nhiều vụ án lớn được xét xử

Theo đánh giá của Bộ Công an, thời gian gần đây, công tác phòng chống tội phạm kinh tế và tham nhũng đã đạt được những kết quả tốt. Cụ thể, số vụ án mới phát hiện, điều tra đưa ra truy tố, xét xử nhiều hơn trước. Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 498 vụ án kinh tế với 747 bị can và 135 vụ án tham nhũng với 367 bị can. Năm 2013 có gần 1.300 vụ án kinh tế được khởi tố với 2.141 bị can và 315 vụ án tham nhũng với 661 bị can. Trong đó có nhiều vụ án lớn, nhiều vụ án tồn đọng kéo dài đã giải quyết dứt điểm, nhiều vụ án trọng điểm đã kết thúc điều tra, đưa ra truy tố, xét xử được dư luận đồng tình như vụ án Dương Chí Dũng, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, vụ án Công ty Cho thuê tài chính II...

Tại cuộc họp liên ngành ngày 12/3 giữa Bộ Công an- VKSNDTC- TANDTC trao đổi về công tác phối hợp điều tra, truy tố, xét xử tội phạm kinh tế và tham nhũng, Đại tướng Trần Đại Quang- Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Phát huy kết quả đã được, thời gian tới, các ngành tư pháp Trung ương cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm kinh tế, tham nhũng; nâng cao chất lượng xử lý tin báo, tố giác tội phạm nhằm phát hiện kịp thời tội phạm kinh tế, tham nhũng. Bên cạnh đó, tập trung điều tra xử lý các vụ án còn tồn đọng, đẩy nhanh điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng đã khởi tố, nhất là các vụ trọng điểm, sớm kết thúc đưa ra truy tố, xét xử với tinh thần đấu tranh kiên quyết, xử lý triệt để, không để lọt tội phạm và xảy ra oan, sai.

Mở rộng áp dụng hình phạt tiền với tội phạm kinh tế, tham nhũng

Các bị cáo trong vụ án xảy ra ở Công ty Cho thuê tài chính II

Phạt tù hay phạt tiền?

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, với tội phạm kinh tế, tham nhũng, bên cạnh việc trừng trị, thì khâu phòng ngừa cũng rất quan trọng. Tại Hội thảo tham vấn sửa đổi, hoàn thiện quy định BLHS về hệ thống hình phạt do Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức, nhóm nghiên cứu của Bộ Tư pháp đã đề xuất mở rộng hơn phạm vi áp dụng hình phạt tiền đối với các tội xâm phạm sở hữu, tội phạm về kinh tế, chức vụ, môi trường bên cạnh hình phạt tù. Điều kiện để áp dụng là những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng.

Theo ThS Hoàng Anh Tuyên (Viện Khoa học kiểm sát - VKSNDTC): Mục đích của nhóm tội phạm kinh tế là hướng tới lợi nhuận nên biện pháp trừng phạt kinh tế (phạt tiền) đối với họ sẽ có tính răn đe, giáo dục phòng ngừa rất cao. Phạt tiền đối với người phạm tội ít nghiêm trọng sẽ tạo điều kiện cho họ tiếp tục lao động để khắc phục hậu quả, đồng thời giúp Nhà nước giảm chi phí thi hành án phạt tù tại các trại giam. Xu hướng nghiên cứu giảm áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền cũng là mục tiêu đổi mới quan điểm về hệ thống hình phạt theo hướng mang tính nhân văn. Theo ông Tuyên, không nên nghĩ rằng hình phạt tiền là nhẹ hơn hình phạt tù mà điều quan trọng là mục đích hình phạt đạt được có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm hay không.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Dũng (Vụ Pháp luật hình sự - hành chính - Bộ Tư pháp) cho rằng: Phạt tiền (dù là hình phạt chính hay hình phạt bổ sung) đặc biệt có ý nghĩa quan trọng khi BLHS đang nghiên cứu sửa đổi, hướng tới đề xuất việc hình sự hóa trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Trong trường hợp này, nhóm nghiên cứu của Bộ Tư pháp đề xuất cơ chế chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù hoặc biện pháp buộc lao động công ích để tăng tác dụng răn đe. Ông Trần Văn Dũng cũng dẫn chiếu BLHS của một số nước như Liên bang Nga, Nhật Bản cho phép thay thế hình phạt tiền bằng hình phạt buộc lao động cải tạo hoặc phạt tù giam tương ứng với mức phạt tiền.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nên thận trọng trong việc xây dựng quy định cơ chế chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù. Đồng thời cần hạn chế quy định phạt tiền như một chế tài lựa chọn (hoặc phạt tiền, hoặc phạt tù) vì dễ dẫn đến nhận thức sai lệch là “có tiền thì thoát, không có tiền phải ngồi tù”. Một số ý kiến cho rằng, mở rộng hình phạt tiền là xu hướng phát triển chung trên thế giới nhưng với các nước đang phát triển thì khó thi hành án và tồn đọng nhiều nhất. Điểm hạn chế là không có điều tra tài chính để ước định việc xử phạt tiền có phù hợp với người phạm tội đó hay không. Vì vậy, không nên quy định mức phạt cứng cụ thể số tiền với hành vi tội phạm mà nên quy định “mở” để tính mức phạt phù hợp với thu nhập của người phạm tội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng áp dụng hình phạt tiền với tội phạm kinh tế, tham nhũng