Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh, đưa tin về những chiêu trò lừa đảo đồ giả cổ. Thế nhưng, tại một số làng quê, các chiêu trò này vẫn khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin dễ dàng sập bẫy.
Ông Trần Tài, ngụ thôn Khánh Thịnh, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh tỉnh Quảng Nam cho biết, khoảng 10 giờ ngày 10/3, trong lúc ông đang ở trong nhà thì có 2 nam thanh niên đi vào tự giới thiệu là công nhân lái xe múc cho công trình đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
“Nói rồi 2 thanh niên bảo vừa mới đào được một bình hồ lô lạ có hình 8 ông tiên và 2 con cóc ba chân to bằng nắm tay. Giá ban đầu họ đưa ra là 14 triệu đồng, nhưng cuối cùng họ chấp nhận bán cho tôi với giá 4 triệu đồng. Lúc đó tôi không biết đó là cái gì, chỉ biết nó lạ và được bôi bùn lên trông như đồ cổ mới đào được nên vợ chồng tôi mua” – ông Tài thuật lại.
Chiếc bình hồ lô “quý” có hình 8 ông tiên
Sau khi mua được bình “quý”, ông Tài mang đi cho bà con hàng xóm xem thì mới vỡ lẽ khi nhiều người trong xã cũng mua phải thứ cổ vật giống như ông nhưng là đồ giả.
Ông Tài cho biết, sau đó 2 ngày, một người hàng xóm của ông cũng suýt chút nữa là nạn nhân của trò lừa đảo này. Hôm đó là ngày 12/3, tại nhà anh Phan Phụng, cũng bằng thủ đoạn tương tự nhưng lần này là 2 thanh niên khác. Khi 2 đối tượng đang “chào hàng” món “đồ cổ” thì ông Tài vội vàng chạy đến và la lớn: “lừa đảo” rồi rút chìa khóa xe máy của hai thanh niên này. Sự việc được nhanh chóng được báo cáo lên cơ quan chức năng và 2 thanh niên liền bỏ chạy, người dân truy đuổi chỉ bắt giữ được một người.
Cũng theo người dân, mới đây Công an huyện Phú Ninh đã kiểm tra và tạm giữ đối tượng Nguyễn Hữu Lộc (quê quán thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), thu giữ 2 bao chứa các đồ giả cổ mà đối tượng đang gạ bán cho một người dân.
Theo lời khai của đối tượng tại cơ quan Công an, những đồ vật này được mua tại TP.Hồ Chí Minh với giá 1,8 triệu đồng, sau đem về chôn dưới đất bùn, đất sắt nhằm đánh lừa người mua là mới đào được. Sau đó, các đối tượng tung tin đào được cổ vật và rao bán với nhiều giá khác nhau.
Theo điều tra ban đầu của cơ quan Công an, các đối tượng thường đi thành nhóm 2 người, chưa xác định rõ có bao nhiêu người tham gia lừa đảo nhưng có thể khẳng định các đối tượng này cùng một nhóm và sử dụng cùng một chiêu thức lừa đảo.
Ông Tài chua chát thuật lại vụ việc
Qua tìm hiểu được biết, đến thời điểm này có nhiều trường hợp người dân trình báo với cơ quan chức năng về việc bị lừa mua đồ giả cổ với giá cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, có nhiều gia đình vì sợ mang tiếng bị lừa nên cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” không báo cáo cơ quan chức năng.
Ông Huỳnh Tấn Thung, Trưởng Công an xã Tam Thái cho biết: “Đặc điểm chung của các đối tượng lừa đảo bán cổ vật giả là hay tự giới thiệu mình đang thi công đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Trong lúc thi công công trình đã đào được cổ vật và nhờ người dân giữ hộ, để lấy lòng tin các đối tượng yêu cần họ đặt tiền cọc rồi sau đó một đi không trở lại nữa”.