Mạng chó, mạng người

Tạ Duy Anh (Công lý và xã hội)| 27/07/2013 10:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ mất trí thì mới hỏi mạng một con chó - cho dù là chó có giá bằng cả toà nhà - với mạng một con người thì thứ gì quý hơn.

Chỉ cần nghĩ hay hỏi như vậy đã có thể coi là kẻ độc ác, vô đạo đức. Không vật gì trên trần gian có thể so ngang với một con người, về mọi phương diện.

Nhưng hoá ra, điều hiển nhiên bất khả bàn cãi đó cũng vẫn chỉ là trên… lý thuyết! Chí ít thì cũng là trên lý thuyết của khá nhiều người Việt, vốn từ cùng một bọc chui ra nên được gọi là đồng bào.

Do dốt ngoại ngữ mà đến giờ này tôi vẫn không biết trên thế giới có truyền thuyết nào đẹp, độc đáo và cảm động như truyền thuyết về cái bọc trăm trứng. Tôi luôn cho mình quyền tự hào về cái gốc rễ sinh tồn độc nhất vô nhị đầy nhân văn đó.

Vì thế khi những đồng bào của mình bị chính những đồng bào khác, cũng là của mình, đánh chết thê thảm chỉ vì một vài con chó chả đáng giá bao nhiêu, tôi cảm thấy bị sốc. Sốc vì những người chết kia có đáng phải chết? Sốc vì mạng một vài con chó quý hơn mạng một vài con người, hoá ra không còn là điều giả định tệ hại, mà có thật, trước bàn dân thiên hạ. Tôi nhớ là mình đã ngồi ôm đầu, không muốn nghĩ về bất cứ điều gì, bởi mọi thứ đều nằm ngoài những khả năng chịu đựng của lí trí thông thường. Nhưng vì là đồng bào của cả người chết và người ra tay sát hại, nên tôi không thể cứ né tránh mãi câu hỏi: Vì sao cơ sự lại nên nông nỗi ấy?

Tôi bèn đặt mình vào từng vị trí, đưa ra những phản biện để hy vọng tìm được câu trả lời.

Ở vị trí những người ra tay đánh chết kẻ trộm chó, tôi thấy hành động đó chẳng có gì quá đáng. Con chó không chỉ là con vật trông nom, giữ gìn cho sự an toàn của gia đình tôi, mà nó thực sự còn là một tài sản. Cả một bầy con thơ vợ dại cùng nhiều việc trọng đại trông cả vào con chó. Ấy là chưa kể con chó là con vật tình cảm. Nó trung thành với chủ, sao chủ lại nỡ bỏ rơi khi nó gặp hoạn nạn? Liệu làm như vậy có đáng là người trọng tình trọng nghĩa? Vả lại, với cái bọn trộm chó, có đứa nào ra gì về phẩm cách, đạo đức. Rặt một bọn lười chảy thây, nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, thậm chí khi cần sẵn sàng xuống tay giết người. Phải có ai ra tay trừ diệt chúng, cứu vớt người bị hại. Phải cho vài đứa chết để răn đe hàng trăm đứa khác vẫn ngông nghênh ngoài vòng pháp luật. Pháp luật không ra tay thì những người bị hại cần phải tự tìm lấy công lý. Đó là lẽ thường tình có gì mà phải ầm ĩ lên. Cũng là công bằng đấy thôi. Mà bọn trộm cắp đó-nếu các vị nhìn thấy sự hung tợn sát nhân của chúng- thì hơn gì con chó nhà tôi. Tôi đánh chết nó vì một con chó còn hơn nó có thể giết người vì một cái bánh mỳ! Biết bao vụ bọn trộm chó đánh chết chủ khi bị phát hiện, hẳn mọi người vẫn nhớ. Ai trách thì cứ trách, rằng tôi ác, tôi coi chó hơn người, tôi thích bạo lực với đồng loại của mình... Nhưng liệu cái kẻ bị tôi đánh chết kia và cả những người bênh hắn có trả lời được tôi câu hỏi: Ai khiến tên trộm chó kia đang giữa đêm hôm lẻn vào nhà tôi để bắt trộm con chó cơ nghiệp của tôi? Hắn có gan ăn cắp thì có gan chịu đòn, chẳng may bị chết cũng là đáng số.

Ở vị trí của tên trộm chó, tôi thấy đó là một nghề nguy hiểm nhưng khá béo bở. Tôi chẳng được học hành hay có nghề ngỗng gì, mà nếu có nghề thì cũng còn lâu mới xin được việc. Các loại kỹ sư còn thừa đầy ra kia, đến đâu cũng bị xua đuổi như những của nợ chỉ vì không có tiền lo lót.

Nhưng tôi cũng phải sống, cũng thích ăn ngon, mặc đẹp. Ở đời ai chả thích những thứ đó. Thế mà chỉ cần chẹt cổ hoặc câu được vài con chó trong một đêm, là có thể rủng rỉnh tiền bạc cả tuần. Mà nghề trộm chó cũng thú vị lắm. Nó đòi hỏi mạo hiểm –như bốc đầu xe ấy-và phải có chút khả năng ảo thuật. Mỗi con chó bị bắt, bị câu, bị thòng lọng thít cổ… ngoài việc hứa hẹn những món tiền, nó còn như vừa hoàn thành một phi vụ của siêu nhân. Không tin các vị cứ thử xem. Tôi tin rằng trong máu các vị đều có vài giọt mang mầm ăn cắp, chỉ có điều các vị không phải lộ ra như tôi. Hoặc các vị ăn cắp theo kiểu khác, sang trọng và sạch tay hơn. Còn tôi, phải rình mò, đối mặt với đủ thứ tai nạn, trong đó sợ nhất là cơn xót chó của những gia đình từng bị tôi hỏi thăm. Tôi xác định, nếu chẳng may bị bắt tù tôi hoặc tệ hơn là bị đánh chết, thì cũng tự chịu. Còn hơn là đói khát và bị xua đuổi, phải lao động vất vả. Xã hội có biết bao kẻ như tôi mà cứ ăn sung mặc sướng, thử hỏi chúng nó hơn gì tôi về phẩm hạnh?

Sau khi phân thân như vậy, tôi rơi vào tình trạng không biết kết thúc cuộc tranh cãi về lý lẽ như thế nào ngay trong chính bản thân mình? Trộm chó đương nhiên là một hành vi xấu xa bỉ ổi, không thể chấp nhận. Nhưng chỉ vì một vài con chó, liệu có đáng để ra đòn trừng phạt khốc liệt như những gì đã xảy ra. Mà những người ra tay mạnh nhất, phần nhiều không phải là người trực tiếp bị mất chó. Rõ ràng là trong xã hội Việt Nam đang có hiện tượng tính mạng con người bị coi rẻ. Đây là tín hiệu đáng sợ.

Tôi bèn nhìn ra rộng hơn xung quanh mình để tìm một gạch nối bí ẩn nào đó dẫn đến lời giải. Không tính những cuộc giết chóc man rợ liên quan đến nạn trộm chó với cảnh tượng hãi hùng hàng ngàn người khao khát lao vào đấm đá để thoả mãn cơn vấy máu đồng loại, thì xã hội đã đầy rẫy cảnh bạo lực: Bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bạo lực công sở… Trẻ em lột quần áo nhau ra giữa đường để tra tấn bạn, vợ chồng đánh nhau, đốt chết nhau cả khi đang trên giường, sếp đánh nhân viên dưới quyền hoặc đánh nhau vỡ mặt ngay trong cuộc nhậu, công an đánh chết dân, dân đánh chết công an. Thế rồi trí thức chân yếu tay mềm cũng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay… là chuyện cơm bữa.

Vì thế, chuyện đám đông đánh chết cẩu tặc chỉ là một trong chuỗi những sự kiện mang tính bạo lực, nằm ngoài khả năng kiểm soát của lý trí cộng đồng.

Bất chấp mọi bao biện, không thể cổ vũ cho thói quen ưa bạo lực. Nhưng quan trọng hơn là phải tìm ra căn nguyên dẫn đến thói quen nguy hiểm đó để tìm cách ngăn ngừa từ xa hoặc tiến tới loại bỏ nó.

Theo tôi nó là hệ quả của quá trình phát triển có quá nhiều chuẩn mực bị lệch hoặc bị bỏ qua. Nhưng nguy hiểm nhất là thói giả dối đang tràn ngập và được đề cao trên thực tế trong xã hội của chúng ta ngày nay. Muốn tiến thân thì phải biết nói dối. Nói dối càng hoàn hảo càng được trọng dụng. Thế là người ta thi nhau học cách nói dối. Khi cả xã hội phải tìm cách nói dối, tất yếu nó đẩy sự trung thực, tình thương người, lòng vị tha, tính tự trọng, thói quen chấp pháp… bật ra ngoài, như những thứ vô dụng. Hoặc những thứ thuộc về nhân phẩm ấy bị làm cho biến dạng, méo mó, dẫn đến quá trình tích tụ ẩn ức xã hội.

Hậu quả là những thông điệp văn hoá, đạo đức truyền đi bị sai lạc. Người ta không còn tức khắc lượng định được cái gì là quý giá (mạng người chẳng hạn), cái gì chỉ là thứ tầm thường (con chó chẳng hạn). Thêm vào đó còn có nguyên nhân là xã hội đang mất lòng tin trong khi pháp luật thường xuyên bị lợi dụng để làm bình phong cho những hành động phi pháp của những người có tiền, có thế lực. Người ta không tin có thể nhờ cậy pháp luật, không tin nó được áp dụng vô tư, công bằng, nhanh chóng. Họ tự giải quyết lấy những việc đáng ra chỉ pháp luật mới được phép can thiệp. Nhiều người tìm thấy ở những dịp như vậy cơ hội để giải toả, trút bỏ vô vàn bức xúc, những bức xúc tích tụ lâu ngày, chưa biết cách nào làm cho nó tan đi.

Dù thế nào thì những gì đã và đang xảy ra với chỉ riêng nạn cẩu tặc cũng là thảm hoạ pháp lý và đạo đức. Cả thủ phạm và nạn nhân đều đáng bị nguyền rủa. Đây có thể còn là nỗi xấu hổ lớn nhất của văn hoá Việt, cho đến giờ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mạng chó, mạng người