Tranh tụng tại phiên tòa là khâu cốt yếu, góp phần quan trọng trong công cuộc cải cách tư pháp. Sự tham gia của luật sư trong quá trình tranh tụng đã góp phần làm sáng tỏ nhiều tình tiết trong các vụ án, tạo nên sự bình đẳng cho các bên.
Nhân kỷ niệm ngày Truyền thống TAND, phóng viên Báo Công lý đã có buổi trò chuyện với luật sư Phan Thị Lam Hồng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
PV: Xin chào luật sư! Chúng tôi được biết, bà là một trong những luật sư giỏi, có tâm với nghề, được khách hàng rất tin tưởng. Bà có thể cho biết, cơ duyên nào đã đưa bà đến với nghề luật sư?
LS Lam Hồng: Khi còn là một đứa trẻ lên mười tuổi, tôi đã chứng kiến một sự việc rất đau lòng, người hàng xóm của tôi, chỉ vì không có tiền chữa bệnh cho con nên đã trộm cắp tài sản của xí nghiệp đem đi bán, mong kiếm được chút tiền đưa con đi bệnh viện. Đó là một người phụ nữ đã góa chồng, chăm chỉ, hiền lành, chất phác, được nhiều người quý mến. Khi Công an đến áp giải người phụ nữ đó đi, cả khu tập thể nhỏ trong xí nghiệp ai cũng bàng hoàng, đứa con còn nhỏ chưa hiểu chuyện, chạy theo túm lấy vạt áo mẹ, khóc nức nở. Tôi vẫn nhớ như in ánh mắt của người phụ nữ đó - buồn bã, u sầu, ngấn lệ. Khi đó, tôi không hiểu về những quy định của pháp luật, càng không hiểu tại sao cô ấy lại bị bắt. Nhưng cũng từ đó, tôi đã có mong muốn được bảo vệ bộ phận yếu thế trong xã hội. Mong muốn đó theo tôi đến tận ngày hôm nay và nó đã trở thành niềm đam mê, niềm khát khao trong tôi. Trong và sau mỗi vụ án, tôi đều ngồi lại suy ngẫm về động cơ, mục đích, hoàn cảnh phạm tội của các bị cáo, đa số đều có những nguyên nhân, những lý do ẩn chứa sâu xa, từ đó vận dụng vào quá trình bảo vệ thân chủ của mình. Bên cạnh đó, tôi luôn phân tích thấu đáo mọi vấn đề nên thân chủ của tôi đã thực sự hiểu về mức độ vi phạm của mình, từ đó đã yên tâm chấp nhận thi hành bản án. Từ đó, thêm một lần nữa tôi lại tin vào sự lựa chọn của chính mình đối với nghề luật sư.
PV: Để đến với nghề luật sư, bà đã phải trải qua những khó khăn như thế nào?
LS Lam Hồng: Luật sư là một nghề cao quý, dù ở xã hội nào cũng không thể phủ nhận điều này. Nhưng để đến với nghề luật sư thì một chữ duyên là không đủ, mà nó là cả một quá trình dài cố gắng phấn đấu và nỗ lực. Tất cả những khó khăn mà tôi đã trải qua thì có lẽ cũng là những gian truân của những bạn đồng nghiệp. Theo pháp luật Việt Nam, luật sư phải là người đảm bảo các điều kiện như có bằng cử nhân luật, đã qua lớp đào tạo kỹ năng hành nghề luật sư, trải qua thời gian tập sự hành nghề và đạt kết quả trong kỳ thi kết thúc tập sự, mới được cấp Thẻ luật sư. Và, những người theo đuổi nghề này phải trải qua thời gian học tập và đào tạo tương đối dài, với thời gian tối thiểu là 6 năm, thậm chí có thể dài hơn. Có những người mất đến cả chục năm trên còn đường phấn đấu để trở thành luật sư, cũng có những người theo đuổi nhiều năm nhưng không thể vượt qua được kỳ thi nói trên.
Đối với tôi, khó khăn lớn nhất đó là phải tìm cho mình một hướng tư duy, cách nghiên cứu hồ sơ để có thể nắm bắt được trọn vẹn vấn đề, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ. Chính vì vậy, khi làm nghề trong tôi luôn là những trăn trở trong quá trình tiếp xúc với hồ sơ thực tế, tiếp xúc với khách hàng, hình thành kỹ năng, nghiệp vụ nghề nghiệp. Bản thân tôi luôn coi tập sự là quá trình rèn luyện kỹ năng hành nghề, phải chăm chỉ, chuyên tâm học hỏi, chịu sự giám sát nghiêm ngặt của luật sư hướng dẫn. Thời gian tập sự chính là thời gian quý báu giúp tôi sau này đứng vững hơn trong nghề và mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.
Luật sư Phan Thị Lam Hồng
Sau này, khi trở thành luật sư chính thức, tôi lại gặp những khó khăn khác, như việc đôi khi không được tạo điều kiện để tiếp xúc với bị can bị tạm giam trong các vụ án hình sự, hay việc tiếp cận hồ sơ vụ án sớm để có thể nghiên cứu và đưa ra phương án bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ.
Đã đôi lần vì quá áp lực công việc, quá stress, tôi đã từng có ý định bỏ nghề, rẽ sang một hướng khác với một công việc ít áp lực hơn, như làm pháp chế doanh nghiệp hay phụ trách nhân sự cho các tập đoàn lớn. Nhưng niềm đam mê với nghề luật sư trong tôi vẫn còn quá lớn, tôi lại đứng dậy và tiếp tục bước tiếp. Những lăn lộn với nghề giúp tôi gắn bó và yêu nghề hơn để rồi tôi càng có nghị lực để vượt qua khó khăn, trở thành người luật sư thành công.
PV: Trong nhiều năm hành nghề, vụ án nào để lại trong bà nhiều ấn tượng sâu sắc nhất
LS Lam Hồng: Có thể nói mỗi vụ án đều mang lại cho tôi những cảm xúc khác nhau. Tội phạm mang nhiều khuôn mặt, có thể đó là những người có địa vị xã hội cao rất cao, cũng có thể đó là những người nông dân cơ cực, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhưng dù là ai thì đa số đều rất cần có luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Năm 2016, nguyên đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga bị điều tra, khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến Dự án B5 Cầu Diễn. Sau đó, tôi tham gia vào vụ án với tư cách là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho một bị cáo nguyên là Phó Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất bị truy tố với vai trò đồng phạm.
Lần đầu tiên tiếp xúc với bị cáo tại giai đoạn sơ thẩm, tôi cảm nhận được sự u uất, đau buồn trên khuôn mặt của bị cáo này. Khi nghe lời trình bày và sau đó là qua hồ sơ vụ án, tôi nhận thấy rõ ràng bị cáo không có động cơ và mục đích phạm tội; bị cáo chỉ là người làm thuê hưởng lương, không hề hưởng lợi từ số tiền bị cáo Nga đã chiếm đoạt. Cái sai của bị cáo là quá tin tưởng vào Châu Thị Thu Nga nên đã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ theo sự phân công của bị cáo Nga, ký biên bản nghiệm thu và bàn giao sản phẩm mô hình dự án B5 Cầu Diễn, ký các Hợp đồng, Phụ lục Hợp đồng thi công cọc khoan nhồi. Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX TAND TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo này 4 năm tù. Đây là một mức án quá nặng, quá khắt khe đối với một người làm công ăn lương, buộc phải thực hiện các công việc chuyên môn theo sự chỉ đạo của người chủ doanh nghiệp.
Luật sư Hồng bào chữa cho một bị cáo trong vụ án Châu Thị Thu Nga
Tại phiên tòa phúc thẩm, TAND cấp cao đã áp dụng tinh thần nhân đạo của BLHS 2015, căn cứ vào hồ sơ vụ án và các tình tiết giảm nhẹ tuyên phạt bị cáo 3 năm tù giam. Trong vụ án này, nhiều bị cáo khác đã đươc hưởng án treo hoặc được tuyên phạt mức án dưới khung hình phạt, khiến cho tất cả đều cảm thấy ấm lòng bởi tính nhân văn của pháp luật Việt Nam khi đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, phân hoá vai trò đồng phạm một cách cụ thể, rõ ràng để đưa ra một mức án hợp lý, hợp tình, tạo điều kiện cho các bị cáo sớm được trở về với gia đình, với xã hội.
PV: Trong những năm gần đây, hoạt động cải cách tư pháp tại Tòa án được chú trọng và đạt được một số thành tựu nhất định, luật sư có đánh giá như thế nào về hoạt động này?
LS Lam Hồng: Trong những năm gần đây, hoạt động cải cách tư pháp tại Tòa án được chú trọng và đạt nhiều kết quả rõ rệt. Bên cạnh việc đổi mới một số thủ tục tố tụng thì hoạt động tranh tụng của các cấp Tòa án cũng được đẩy mạnh. Tại các phiên toà, Hội đồng xét xử luôn xem xét chứng cứ một cách khách quan, cụ thể và toàn diện. Trong trường hợp nhận thấy vụ án còn nhiều điểm chưa được làm rõ, Tòa án sẽ ban hành quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đây là một quyết định cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo cho hoạt động điều tra tuân thủ theo các quy định của pháp luật, hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội có căn cứ và bảo đảm cho quá trình giải quyết vụ án hình sự đúng đắn, khách quan, toàn diện và đầy đủ, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Bên cạnh đó, trong phần xét hỏi, Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý. Sau khi nghe lời trình bày của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, Chủ tọa sẽ tập trung vào những phần mâu thuẫn và làm rõ những tình tiết quan trọng, ảnh hưởng đến việc xác định tội danh và định khung hình phạt của bị cáo. Đồng thời Chủ tọa phiên tòa luôn tạo điều kiện cho kiểm sát viên và luật sư được hỏi các bị cáo, khiến cho việc xét hỏi được công tâm và minh bạch hơn.
Quá trình tranh luận, chủ tọa phiên tòa không hạn chế thời gian tranh luận và luôn tạo điều kiện thuận lợi để cho những người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến của mình. Đồng thời, chủ tọa thực hiện quyền yêu cầu kiểm sát viên phải đối đáp lại những ý kiến yêu cầu của người bào chữa hoặc của những người tham gia tố tụng khác nếu như những ý kiến đó chưa được tranh luận. Quy định này nhằm đảm bảo cho việc xét xử được công bằng dân chủ, đáp ứng yêu cầu tranh tụng mà chiến lược cải cách tư pháp đã đề ra. Đồng thời góp phần khắc phục những tồn tại trước đây khi tranh luận, nhiều trường hợp kiểm sát viên không đưa ra được những lập luận để phản bác với ý kiến của bị cáo, của người bào chữa cho bị cáo hoặc của những người khác, không đối đáp mà chỉ trả lời giữ nguyên ý kiến luận tội hoặc giữ nguyên quyết định truy tố. Trước khi kết án, Hội đồng xét xử luôn áp dụng tính nhân đạo của pháp luật và nguyên tắc phân hóa tội phạm để đưa ra mức án hợp tình hợp lý, đủ sức răn đe nhưng cũng đầy tính nhân văn khiến cho người phạm tội nhận thức được hành vi phạm tội của mình, yên tâm cải tạo để sớm trở về với gia đình, với xã hội. Điều này luôn đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của các bị cáo, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của luật sư!