Triết lý giáo dục của Việt Nam là vấn đề được nhiều đại biểu băn khoăn, bày tỏ sự trăn trở tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Sáng 15/11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Sáu, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Vấn đề Triết lý giáo dục của Việt Nam là điều được nhiều đại biểu băn khoăn, bày tỏ sự trăn trở tại phiên thảo luận.
Thiếu triết lý giáo dục làm đất nước thiếu đi một triết lý phát triển
Quan tâm đến triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu rõ triết lý giáo dục vốn được xem là kim chỉ nam trong toàn bộ hoạt động giáo dục xây dựng trên 4 trụ cột chính là đối tượng, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục.
Đặt vấn đề, từ triết lý giáo dục của các nước, không ít học giả, nhà nghiên cứu đặt câu hỏi vậy triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?
Liệu từ mục tiêu, nội dung, phương pháp được chế định trong dự án Luật lần này, soi rọi được gì để có thể khái quát thành triết lý giáo dục của Việt Nam?
ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu tại hội trường
Đại biểu băn khoăn so sánh mục tiêu, nội dung và phương pháp của dự án Luật lần này với Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua cách đây 20 năm, dường như không thay đổi gì nhiều.
Đành rằng, các giá trị được xem là phổ quát phải được gìn giữ nhưng trong từng thời kỳ phát triển khác nhau, yêu cầu khác nhau đòi hỏi những trụ cột của triết lý phải được vận hành theo hướng đổi mới để phù hợp với thời cuộc, vì đầu ra của giáo dục chính là những con người quyết định sự hưng thịnh hay tồn vong của một quốc gia, dân tộc...
Đại biểu dẫn chứng, không hiếm trường hợp sinh viên ra trường không viết được nổi một văn bản hay nhiều doanh nghiệp than phiền khi phải tuyển dụng sinh viên vừa ra trường vào đơn vị.
Dường như việc chưa dành nhiều thời gian để đào tạo kỹ năng mềm từ nhà trường và tính chưa tự giác của người học đã cho ra đời những sản phẩm giáo dục khó lòng đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và xã hội.
Việc cắp sách đến trường mới chỉ dừng lại ở nghĩa vụ mà chưa phải là niềm vui, niềm khao khát được hướng dẫn để tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại.
Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu của giáo dục là hội nhập quốc tế, nhưng toàn bộ dự án Luật không có bất cứ điều khoản nào quy định ngoại ngữ là một công cụ bắt buộc, hình thành nền tảng cơ bản nhất cho hội nhập.
Tuy các em được học tiếng Anh từ rất sớm nhưng nhiều trường hợp không thể sử dụng được tiếng Anh sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Sứ mệnh của giáo dục với mục tiêu hội nhập quốc tế sẽ được thực hiện như thế nào khi điểm trung bình môn tiếng Anh ba năm vừa qua của Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia không vượt qua nổi con số 5.
Nhiều bạn trẻ sinh vào năm 2000 khi đất nước đã đi được một chặng đường hội nhập khá dài, vẫn chưa thông thạo tiếng Anh, cho thấy mục tiêu hội nhập quốc tế của giáo dục còn nhiều chông gai.
Nó sẽ còn chông gai hơn nếu không chế định tiếng Anh là công cụ bắt buộc trong hệ thống giáo dục như Singapore hay Philippines từng làm. 4 trụ cột để hình thành triết lý giáo dục trong dự án Luật đã rõ ràng, có nhiều điểm hay nhưng toàn bộ các điều khoản sau đó không xoay quanh các trụ cột này, chỉ tập trung vào giải quyết các sự vụ, sự việc, đại biểu thẳng thắn chỉ rõ.
Theo đại biểu, đời người chỉ có một thời gian ngắn ngủi ngồi trên ghế nhà trường, do đó những gì là tinh hoa của nhân loại, dân tộc và thời đại, cần phải được chắt lọc để hướng dẫn thế hệ trẻ.
Bởi nếu chưa thể đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc, chí ít cũng cần tạo được một nền tảng vững chắc của đạo luật này để thế hệ trẻ hiện thực hóa lời căn dặn của tiền nhân.
Chất liệu chính của một triết lý giáo dục có thể là sự hướng thiện con người đi cùng với suy từ, trăn trở về trách nhiệm của bản thân trước vận mệnh thịnh, suy của đất nước.
Một nền giáo dục thiếu triết lý như thiếu một ngọn hải đăng dẫn đường; thiếu triết lý giáo dục cũng góp phần làm đất nước thiếu đi một triết lý phát triển vì tất cả khởi thủy về giáo dục.
Đại biểu mong Quốc hội sẽ mạnh dạn tư duy cho một nền giáo dục thỏa mãn điều kiện và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0- một triết lý giáo dục đúng tầm đúc kết từ văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc và hơi thở của thời đại để định hướng cho 4 trụ cột bằng những cam kết chính sách nhất quán trong toàn bộ hệ thống pháp luật để bảo đảm vận hành đúng tinh thần triết lý ấy.
Đưa ra một triết lý giáo dục dễ nhớ, dễ hiểu, dễ áp dụng
Cũng liên quan đến triết lý giáo dục, đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hoá) đề cập, xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam, như đọc trong mục tiêu giáo dục trong dự thảo luật thì thấy… hoang mang.
Đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hoá)
“Tôi thấy mục tiêu dành cho cả bậc mầm non, phổ thông, đại học đều chung những ngôn từ đúng, hay đẹp nhưng tôi lo khi đưa vào cuộc sống để cụ thể hoá thành phương pháp giáo dục, chương trình giáo dục thì sẽ như “chim chích vào rừng rậm”, rất khó”, đại biểu Thức dẫn chứng một loạt những điều luật chứa nhưng ngôn từ hay, đẹp đó, như “phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe”, “trí tuệ, thẩm mĩ”, “đạp đức, trí thuệ, thể chất và thẩm mĩ”… Như vậy, không biết “trí tuệ”” với “tri thức”, “thể chất” và “sức khoẻ” khác nhau chỗ nào, cần cụ thể hoá ra sao.
Từ đó, đại biếu Thức đề nghị ban soạn thảo luật cần nghiên cứu lại triết lý giáo dục để đảm bảo tính thời đại, hiện đại mà giữ được truyền thống văn hóa dân tộc.
Đại biểu dẫn lại lời Bác Hồ, vun trồng con người với 4 đức nhân, trí, dũng, liêm và “để làm người, làm cán bộ, học để phụng sự nhân dân, tổ quốc”. Đại biểu cũng so sánh triết lý của UNESCO đề ra 4 trụ cột “học để làm” (learning to do), “học để cùng chung sống” (learning to live together), “học để làm người” (learning to be), “học để sáng tạo” (learing to clever create). Ông tha thiết đề nghị các giáo sư, nhà giáo dục đưa ra một triết lý giáo dục cho dễ nhớ, dễ hiểu, dễ áp dụng.
Báo cáo thêm về vấn đề này, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định đây là vấn đề lớn, cần nghiên cứu thấu đáo để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Việc này cũng liên quan đến quan điểm, từ nhiều nội dung, khía cạnh khác nhau để thể hiện triết lý giáo dục.
“Chúng tôi đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu ở đề tài cấp quốc gia và nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận để tạo ra một sự thống nhất cao về triết lý giáo dục trong mục tiêu và nguyên lý giáo dục để có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động của giáo dục tới đây”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Trước đó, tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội sáng 1/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời ĐBQH về triết lý giáo dục Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng, nước ta phát triển có triết lý, nền giáo dục cũng có triết lý. Các nước trên thế giới đều có triết lý của mình. Nhưng một số nước đúc kết thành câu ngắn gọn, dễ hiểu để nhấn trọng tâm. Đất nước ta có rất nhiều câu, dễ thấy nhất là quốc hiệu, trước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, bây giờ là “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta tìm thấy trong đó như một triết lý. Giáo dục cũng có nhiều như phát triển con người đức, trí, thể, mỹ. Nước ta cũng nói đầy đủ 4 trụ cột giáo dục của UNESCO hay 4 mục tiêu là học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình. Gần đây, UNESCO bắt đầu đưa vào trụ cột thứ 5 học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn. Những điều này nằm trong Nghị quyết hay văn bản có tính chất quy phạm pháp luật. Tới đây, khi bản sửa Luật Giáo dục, một trong những điều đầu tiên của luật là mục tiêu giáo dục. Chính phủ cũng như Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo nhiều cuộc thảo luận để đưa vào cô đọng nhất những vấn đề đặc trưng mục tiêu và có tính triết lý của giáo dục Việt Nam. “Tôi khẳng định lại, giáo dục Việt Nam có triết lý của mình chứ không thể nói không có triết lý nên đề nghị đại biểu Quốc hội nếu quan tâm có thể tham gia vào các buổi trao đổi mà Bộ GD-ĐT và nhiều hiệp hội đang thảo luận sôi nổi để đóng góp vào Luật Giáo dục sửa đổi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh |