Luật Báo chí (sửa đổi) 2016, có hiệu thi hành từ 1/1/2017 có nhiều điểm mới, trong đó có quy định nhằm bảo đảm các quyền của nhà báo khi tác nghiệp.
Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện
Chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo
Khoản 2, Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định nhà báo có các quyền: Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí.
Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo, tuy trong Luật không quy định cụ thể, nhưng thực tế thì cơ quan báo chí có thể cấp giấy giới thiệu để phóng viên đi tác nghiệp. Việc không chấp nhận giấy giới thiệu hợp pháp, với mục đích tác nghiệp hợp pháp, là hành vi cản trở báo chí hoạt động. Vấn đề này đã được điều chỉnh bởi quy định tại khoản 12, Điều 9 Luật Báo chí, nghiêm cấm cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, cũng cần lưu ý những hạn chế về quyền của nhà báo tại phiên tòa như: khoản 8, khoản 9, Điều 9: Nghiêm cấm báo chí đưa tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em (Những vụ án có người chưa thành niên phạm tội).
Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.
Để bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, Luật Báo chí mới đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên bảo vệ người cung cấp thông tin.
Nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí
Điều 38 Luật Báo chí quy định rõ việc cung cấp thông tin cho báo chí: Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin. Cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường. Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.
Bên cạnh những quy định trên, theo khoản 2, Điều 38 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp: Thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; Thông tin về vụ án đang điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố; Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.
Tại Điều 59 Luật Báo chí năm 2016 không quy định xử lý vi phạm đối với những trường hợp né tránh, gây khó khăn cho nhà báo khi thu thập thông tin. Tuy nhiên việc từ chối cung cấp thông tin cho báo chí mà không có lý do chính đáng thì đã có chế tài xử lý đối với hành vi cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí, quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí.