Lựa chọn vấn đề bức xúc, được cử tri và nhân dân quan tâm để giám sát

08/11/2012 20:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 8-11, Quốc hội đã họp phiên toàn thể thông qua Nghị quyết về phát triển KTXH năm 2013; thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013. Các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Huỳnh Ngọc Sơn đã điều hành buổi họp.

Chọn những vấn đề bức xúc nổi lên để giám sát

Báo cáo kế hoạch giám sát năm 2013 của UBTVQH, bên cạnh những nội dung giám sát tối cao như: Xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; Xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 của QH; Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH… UBTVQH đã thảo luận để lựa chọn 2 trong 3 chuyên đề sẽ giám sát trong năm 2013 gồm: Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012; Chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012; Chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006 - 2012.

Lựa chọn vấn đề bức xúc, được cử tri và nhân dân quan tâm để giám sát

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường

Theo Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, vì số lượng các vấn đề cần giám sát rất lớn nên việc lựa chọn nội dung đưa vào chương trình giám sát gồm những vấn đề bức xúc nổi lên, được đại biểu QH (ĐB), cử tri và nhân dân quan tâm; xét ở góc độ vĩ mô cần được đưa ra diễn đàn Quốc hội hoặc UBTVQH xem xét; gắn với công tác xây dựng pháp luật và nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013; Phạm vi giám sát phù hợp với khả năng thực hiện của các cơ quan được UBTVQH dự kiến giao chủ trì giám sát.

Giám sát vấn đề cụ thể hiệu quả hơn

Thảo luận tại hội trường, đa số các ĐB nhất trí với Báo cáo chương trình giám sát và dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao trong công tác giám sát, đề nghị QH tập trung những vấn đề bức xúc nổi lên liên quan đến các vấn đề dân sinh, xã hội. Các ĐB cũng cho rằng phải đổi mới giám sát, thành phần tham gia đoàn giám sát, phải đi sâu vào từng vấn đề chứ nếu chung chung sẽ không hiệu quả. Bên cạnh đó, phải nêu rõ trách nhiệm từng ngành, từng cá nhân trong việc giải quyết đơn thư KNTC, từ đó rút ra những bất cập của luật pháp để sửa đổi kịp thời. Giám sát lời hứa đối với cử tri của các trưởng ngành cũng là vấn đề được các ĐB quan tâm…

ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cho rằng, nên đưa vào chương trình giám sát 2013 chuyên đề bảo vệ rừng, đất rừng các loại, vì rừng đang bị tàn phá nghiêm trọng. Tình hình biến đổi khí hậu trong những năm gần đây có diễn biến phức tạo, rừng không được bảo vệ sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đến con người. Mục tiêu trước đây đưa ra độ che phủ rừng phải từ 40% trở lên theo Nghị quyết QH lần trước thông qua có đảm bảo hay không, chúng ta phải tính toán. Bởi trước đây, khi “bấm nút thông qua Nghị quyết nhưng các ĐB vẫn còn mơ hồ vấn đề này”, ĐB Thoại cho biết.

Nhiều ĐB cũng nêu lên tình trạng rừng bị tàn phá rất nghiêm trọng hiện nay do việc khai thác rừng bừa bãi, lâm tặc hoành hành… nếu không có giám sát khi có xảy ra thiên tai rừng không còn khả năng chống đỡ và nguy hiểm với con người, nên cần tiếp tục phải giám sát vấn đề này.

Tuy nhiên, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) lại cho rằng, nên chọn những nội dung cấp bách có tính lan tỏa để giám sát như, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ; Thực hiện Luật BHYT, BHXH…; Còn vấn đề bảo vệ và phát triển rừng… đây là vấn đề cấp bách, có thể nói hiện nay lâm tặc đang tấn công vào những vùng rừng cuối của Việt Nam, rất đáng lo ngại. Nhưng đây là nội dung mà QH đã giám sát rồi, không phải giám sát tiếp mà phải đánh giá lại những kết quả đã thực hiện 10 năm qua để ta có biện pháp cộng đồng cùng Chính phủ khắc phục.

Còn theo ĐB Trần Du Lịch (Tp. Hồ Chí Minh), chúng ta cần nhìn lại xem, công sức, thời gian, kinh phí tiêu tốn cho hoạt động giám sát với kết quả làm được thì cần phải nâng cao hơn nữa. Nên giám sát sâu những vụ việc điển hình hơn là giám sát chung chung như hiện nay. Thực tế cho thấy, khi giám sát, chúng ta chỉ nghe cơ quan nhà nước ở địa phương báo cáo chứ chưa nghe được người dân khiếu kiện họ oan sai thế nào? Cơ cấu đoàn giám sát cũng vậy, nên giảm các bộ ngành và tăng các chuyên gia độc lập để phát hiện vấn đề và truy vấn được mới hiệu quả chứ nghe báo cáo rồi về không hiệu quả.

ĐB Trần Du Lịch cũng đề  nghị, khi giám sát về, những nội dung liên quan phải mời bộ trưởng ngành đó về để nghe báo cáo kết quả giám sát. Những nội dung, văn bản nào trái với luật nào chúng ta sửa luôn chứ không kiến nghị như hiện nay.

ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) kiến nghị: Nợ đọng, chậm nộp BHXH rất lớn, chiếm 20% số đóng BHXH bắt buộc hiện nay, làm thiệt thòi cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ…; Hiện đang có tình trạng mất cân đối thu chi của bảo hiểm hưu trí cần phải xem xét để đưa vào giám sát.

Bên cạnh việc QH giám sát ban hành VBQPPL các ngành các cấp tìm ra những bất cập để sửa đổi, thì khâu giám sát việc giải quyết KNTC của công dân rất quan trọng. Vì theo ĐB Trần Đình Long (Đắk Nông): “Sau khi chuyển đơn thư KNTC, giám sát giải quyết ra sao chúng ta đang “lực bất tòng  tâm”. Nếu chúng ta chỉ ngồi chờ trả lời mà không giám sát việc thực hiện sẽ không có hiệu quả”.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 với tỷ lệ tán thành trên 91%. Theo đó, Bộ chỉ tiêu tổng quát được QH thông qua với 15 điểm, bao gồm tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội 5,5%, CPI khoảng 8%, bội chi ngân sách không quá 4,8% GDP, nhập siêu khoảng 8%, xuất khẩu tăng 10%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động… Đây là phương án nhận được nhiều sự đồng thuận nhất từ phía các đại biểu, trong số 4 phương án được cơ quan soạn thảo đưa ra.

Quốc Huy
 


 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn vấn đề bức xúc, được cử tri và nhân dân quan tâm để giám sát