Việc Mỹ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi là một hành động muộn màng, khiến Mỹ gặp không ít khó khăn trong cuộc chạy đua với Trung Quốc nhằm giành lại vị thế tại châu Phi. Tuy nhiên, nếu mọi thứ đi đúng hướng thì Mỹ vẫn có thể đuổi kịp.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) phát biểu trong phiên họp Hành động vì cơ hội và phát triển của châu Phi (AGOA) trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: AFP
Ông Arthur Larok, Giám đốc tổ chức Action-Aid Uganda, một tổ chức hoạt động nhằm chấm dứt tình trạng nghèo đói và bất công tại châu lục cho rằng giờ đây Mỹ đã nhận thấy những thành quả mà Trung Quốc đạt được ở châu Phi và sự hiện diện của Trung Quốc ở đây đã tạo cho châu Phi một cơ hội để đàm phán một cách có lợi nhất.
Nhận xét của ông Larok được hỗ trợ bởi các số liệu chính thức của Bộ Thương mại Mỹ, theo đó trao đổi thương mại giữa Mỹ và châu Phi hiện đứng ở mức khoảng 85 tỷ USD USD mỗi năm, trong khi trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và châu lục đạt trị giá hơn 200 tỷ USD. Mùa xuân năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến thăm một số nước châu Phi nhằm tìm cách tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại với châu lục.
Các nhà quan sát về quan hệ Trung Quốc - châu Phi nhất trí nhận định rằng tác động của Trung Quốc đối với châu Phi là một trong những sự thay đổi lớn nhất về mặt địa chính trị trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn đầu của thế kỷ 21. Trung Quốc thường được giới truyền thông châu Phi miêu tả là sử dụng "vũ khí xây dựng hàng loạt" khi họ mở rộng sự hiện diện của mình trên châu lục. Trung Quốc đang khai thác dầu khí và khoáng sản từ các nước như Nam Sudan, Angola, Sudan và Zimbabwe, và biến chúng thành các sản phẩm làm suy giảm nguồn cung từ các nhà cung cấp truyền thống ở Mỹ và Châu Âu.
Tác động của Trung Quốc đối với châu Phi là rõ ràng, từ các sân bay quốc tế các đến các cửa hiệu ở miền thôn quê. Cách đây không lâu, Coca Cola, hãng vừa mới công bố kế hoạch đầu tư tiếp 5 tỷ USD vào châu Phi trong vòng 6 năm tới là sản phẩm duy nhất của nước ngoài có thể thâm nhập vào mọi ngóc ngách của châu lục này. Còn hiện nay, đâu đâu cũng có các sản phẩm của Trung Quốc. Khoản 14 tỷ USD đầu tư được công bố và hàng tỷ USD viện trợ của Mỹ là rất quan trọng đối với khát vọng phát triển kinh tế của châu Phi, nhưng người Trung Quốc vẫn được các nhà lãnh đạo châu Phi đón chào nồng nhiệt hơn, bởi họ giúp phát triển nhiều lĩnh lực, trong đó có lĩnh vực rất quan trọng là hệ thống hạ tầng.
Một thách thức lớn nữa đối với Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, đó là rất nhiều nhà lãnh đạo châu Phi hoan nghênh cách thức mà Trung Quốc tự thể hiện mình như là một quốc gia trung lập, chỉ muốn xây dựng các mối quan hệ thương mại và tình hữu nghị với các nước châu Phi. Nhiều người dân châu Phi cũng coi đây là một dấu hiệu của sự tôn trọng.
Trong bối cảnh đó, liệu Mỹ có thể cứu vãn quan hệ của mình với châu Phi hay không? Câu trả lời là "Có". Tổng thống Rwanda Paul Kagame đã phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với hãng tin Bloomberg rằng: "Các cuộc thảo luận như thế này nên được bắt đầu từ lâu rồi. Nếu mọi thứ đi đúng hướng thì các mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và châu Phi có khả năng vượt qua mối quan hệ giữa châu Phi và châu Âu, thậm chí vượt qua cả quan hệ giữa châu Phi và Trung Quốc".
TTK