Lều Phương Anh: 10 năm làm đủ nghề tay chân kiếm tiền chữa thương trên đất Nhật

Minh Khang| 09/11/2018 09:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ca sĩ Lều Phương Anh vừa thổ lộ về những khó khăn, vất vả mà cô đã phải đối mặt, vượt qua để có thành công như ngày hôm nay.

Chiều 8/11, “Hành trình Từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 Triệu Thanh Niên Việt” do Tập đoàn Trung Nguyên Legend tiếp tục được tổ chức tại Cao đẳng Điện lực TP.HCM. Á hậu Mâu Thủy, ca sĩ Lều Phương Anh và các chuyên gia nhiều lĩnh vực đã giao lưu, ký tặng sách cho sinh viên.

Sự xuất hiện của Lều Phương Anh nhận được nhiều quan tâm của các bạn trẻ. Nữ ca sĩ cho biết rất vinh dự khi được đồng hành cùng “Hành trình từ trái tim” bởi cô mong muốn được chia sẻ những trải nghiệm của bản thân và học hỏi lại từ những khách mời nổi tiếng và từ chính các bạn sinh viên. “Từ lúc nhận lời mời tham gia chương trình, Lều đã rất hồi hộp, thậm chí có cảm giác như được sống lại thời sinh viên. Lều ngồi sắp xếp lại những “tháng năm rực rỡ” ấy, nhớ lại những vui, buồn, thử thách gì đã tạo nên một Lều Phương Anh của ngày hôm nay”.

Lều Phương Anh: 10 năm làm đủ nghề tay chân kiếm tiền chữa thương trên đất Nhật

Ca sĩ Lều Phương Anh chia sẻ những gì đã trải qua

Năm 2010, Lều Phương Anh gây chú ý khi tham gia Vietnam Idol và lọt vào top 3. Trước khi đến với cuộc thi này, cô từng có gần chục năm tha phương nơi đất Nhật. Đây cũng là câu hỏi của nhiều bạn trẻ dành cho Lều Phương Anh. Nữ ca sĩ kể, lý do cô trở về nước là muốn được ở bên gia đình, được mang hành trang đã học để làm việc và có cuộc sống ổn định hơn. 

“Lều nhớ lắm, ngày 29/6/2010, Lều về nước nhận lời mời làm việc ở một công ty Nhật tại TPHCM. Ngay hôm sau, Lều nhận được phiếu đăng ký dự thi vòng tuyển của Vietnam Idol từ cô bạn thân. Cô ấy nói ‘hãy làm những điều mà tuổi trẻ bạn muốn mà chưa được làm’. Lều đã khóc và nghĩ đây là một hạnh phúc mới nên quyết định từ bỏ công việc như mơ mới có được để dành thời gian hết mình với cuộc thi ca hát”.

Lều Phương Anh: 10 năm làm đủ nghề tay chân kiếm tiền chữa thương trên đất Nhật

Á hậu Mâu Thủy và Ca sĩ Lều Phương Anh

Lều Phương Anh cho biết, cô sẽ không bao giờ quên những ngày bay đi bay lại giữa Hà Nội và TPHCM để chuẩn bị bài hát, trang phục, đạo cụ,… “Tất cả với Lều lúc đó là con số 0. Lều không thuộc bài hát nào bởi bên Nhật không có thời gian nghe nên không biết thị trường âm nhạc Việt Nam lúc đó ra sao, ai nổi tiếng, thậm chí không cả biết chương trình mình sắp thi là gì, chỉ mặc định là một cuộc thi hát. Một khó khăn nữa là Lều phải tập đi giày cao gót vì chân Lều rất yếu kể từ sau tai nạn. Thế nhưng, ý nghĩ cố gắng ‘hết mình với hiện tại sẽ hái được quả ngọt trong tương lai’ đã khiến Lều vượt qua được mọi thử thách”. 

Năm 14 tuổi, Lều Phương Anh bị tai nạn xe máy khiến mũi, đầu gối, tay, ngón chân đều bị gãy, còn xương hàm nứt khiến cô phải trải qua 7 lần phẫu thuật, ngồi xe lăn, sau 2 năm tập vật lý trị liệu mới có thể đi lại được nhưng chân rất yếu. Vết sẹo dài hơn 20 cm trên đầu gối khiến cô rất tự ti, không dám mặc váy ngắn, quần soóc. Cứ nghĩ đến tai nạn Phương Anh lại rơi nước mắt. Nhưng nỗi buồn ấy tan biến sau khi Phương Anh đi hát từ thiện ở những trung tâm mồ côi, làng trẻ, nơi có nhiều người bị tàn tật, bệnh nan y. “Nhất là khi thấy những em bé bị ung thư, ước mơ lớn nhất chỉ là năm sau vẫn còn được ngồi gấp hoa, chơi đùa cùng bạn bè. Lều khóc rất nhiều và nghĩ vết sẹo của mình, dù dài đến mấy cũng không thể nào so sánh được với hoàn cảnh của các em. Lều tự nhủ phải sống tốt hơn, tích cực và trưởng thành hơn”, Lều Phương Anh nói.

Lều Phương Anh: 10 năm làm đủ nghề tay chân kiếm tiền chữa thương trên đất Nhật

Đó là lý do năm 2001, Lều Phương Anh quyết định sang Nhật để chữa trị vết thương. Ngày đầu tiên đến Nhật cô đã gặp chuyện không suôn sẻ. Các tuyến đường đều dừng do gặp trục trặc, trong người chỉ còn 1.000 yên Nhật (khoảng 136 nghìn VNĐ thời điểm đó), không đủ để bắt xe đến nhà người thân. Lều quyết định lấy quần áo làm gối, làm chăn và thức trắng đêm ở ga tàu đợi đến sáng hôm sau, không dám mua nước hay đồ ăn vì sợ điện thoại hết pin thì không có tiền gọi cho người thân”.                                                                                                                   

Những ngày sau đó, Lều Phương Anh vừa đi học tiếng Nhật, vừa đi làm kiếm tiền để chữa trị. “Lều từng gọt rau củ trong siêu thị, quét tuyết đêm, làm bồi bàn rửa bát, nhân viên giao hàng... với giá 600-800 yên/h (khoảng 80-100 nghìn VNĐ). “Lều thường làm đêm vì ban ngày phải đi học chữ. Đến giờ khi nghĩ lại thời gian ở Nhật, Lều tự hỏi bản thân tại sao có thể mạnh mẽ đến vậy. Lều rất tự hào mỗi khi nghĩ về quãng thời gian đó bởi nó đã rèn luyện Lều một bản năng sinh tồn cực kì mạnh mẽ, đã đào tạo nên một Lều Phương Anh kiên cường và trưởng thành hơn cả về thân lẫn tâm”. 

Lều Phương Anh chia sẻ, khi còn nhỏ cô được sống trong nhung lụa, được bảo bọc thì đến năm 14 tuổi gia đình xảy ra sự cố về tài chính. Để làm vui lòng bố mẹ, từ một cô bé coi việc học là cực hình, Phương Anh đã vươn lên thành học sinh xuất sắc xuất sắc khiến thầy cô bất ngờ.

Lều Phương Anh rất thích cuốn “Đắc nhân tâm” bởi những bài học rèn luyện bản thân, mang lại hạnh phúc cho chính mình và những người xung quanh.

Tại chương trình, Lều Phương Anh thể hiện ca khúc “Hãy ngước nhìn mặt trời” thể hiện cách sống, cách suy nghĩ tích cực và ý chí vươn lên. Đây là khúc mà lần đầu tiên Lều Phương Anh làm nhạc ngày hôm trước thì hôm sau biểu diễn luôn.

Lều Phương Anh: 10 năm làm đủ nghề tay chân kiếm tiền chữa thương trên đất Nhật

Tham gia “Hành trình từ trái tim”, Mâu Thủy cho biết cô rất vinh dự bởi được chia sẻ những bài học, kiến thức đúc kết trong các cuốn sách quý được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tuyển chọn. Đắc nhân tâm, Không bao giờ thất bại – Tất cả là thử thách, Nghĩ giàu làm giàu là những cuốn sách đã mang đến cho Thủy những bài học để tránh vấp ngã và cách thực hiện ước mơ.

Thạc sĩ Đào Lê Hòa An chia sẻ hành trình trở thành một chuyên gia tư vấn tâm lý, gỡ rối tơ lòng cho nhiều bạn trẻ trong mọi lĩnh vực. Anh thích nhất cuốn “Quốc gia khởi nghiệp” vì học được tinh thần khởi nghiệp của người Israel.

Qua câu chuyện của các vị khách mời, Tiến sĩ Hữu Đức – người dẫn dắt buổi giao lưu đúc kết: “Mỗi người đều có hướng đi riêng, một đam mê riêng nhưng điểm chung giữa họ chính có ước mơ lớn, có khát vọng và hoài bão, dám dấn thân vượt qua thử thách để tạo nên thành công. Chính khát vọng lớn là khởi nguồn thành công của họ. Vai trò của khát vọng rất quan trọng trong hành trình tự thân lập nghiệp của mỗi người, nhưng không phải ai cũng xây dựng được. Các vị khách mời với những kinh nghiệm trải qua, đã chia sẻ thêm bí quyết giúp các bạn sinh viên nuôi dưỡng đam mê khát vọng trên con đường lập nghiệp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lều Phương Anh: 10 năm làm đủ nghề tay chân kiếm tiền chữa thương trên đất Nhật