Nga, không giống như Iran, không thể bị đánh bại bởi lệnh trừng phạt của phương Tây, một luật sư tại hãng luật Holman Fenwick Willan phát biểu với Sputnik ngày hôm qua (22/7).
Theo vị luật sư của hãng luật Holman Fenwick Willan, nước Nga không thể bị đánh bại bởi lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuyên bố của luật sư Konstantinos Adamantopoulos, làm việc tại hãng luật Holman Fenwick Willan (có trụ sở tại London, Vương quốc Anh), được đưa ra sau khi Iran và nhóm các nước trung gian hòa giải ký một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng vào ngày 14/7 - quy định việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại Tehran để đổi lấy sự đảm bảo về tính chất hóa bình trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Những hạn chế, bị gây ra bởi lệnh cấm vận vũ khí chống Tehran và đặc biệt là gây trở ngại trong thương mại dầu mỏ, đã ảnh hưởng nặng nề đến quốc gia Hồi giáo này, theo Sputnik.
“Tôi không nghĩ đó là công cụ chống lại Nga hiệu quả. Nhưng trong trường hợp của Iran, chẳng hạn, chúng lại có hiệu quả, bởi vì quốc gia này bị gây áp lực phải ký kết thỏa thuận, nhưng Iran không có một nền kinh tế vững mạnh như Nga”, ông Adamantopoulos nhận định.
Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu áp dụng lệnh trừng phạt chống lại Moscow từ năm 2014, với lời cáo buộc Nga có liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine - lời buộc tội mà Moscow nhiều lần bác bỏ. Đáp lại, tháng 8 năm đó, Moscow đưa ra quyết định “phản trừng phạt”, theo đó cấm nhập khẩu thực phẩm từ chính các nước áp đặt trừng phạt.
Ngày 22/6/2015, các nhà lãnh đạo EU tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng, tức là kéo dài đến 31/01/2016. Ngay sau đó, Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev đã “phản đòn”, mở rộng lệnh trừng phạt đối với danh mục nhập khẩu (từ các nước châu Âu), đồng thời kéo dài lệnh phản trừng phạt thêm 1 năm.
Vị luật sư của hãng luật Holman Fenwick Willan nói thêm rằng, Liên bang Nga là một quốc gia rộng lớn có thể “cân bằng những lệnh trừng phạt đó” và đáp lại bằng những hạn chế chống lại EU, và do đó hành động chống Moscow (của EU) không có hiệu quả.