Trong truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc ta, báo hiếu, báo ân tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ là một trong những cảm ơn quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người.
Ngày 3/9 (13/7 âm lịch), tại Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên các Chư Tăng Ni Tây Thiên sẽ cùng với đông đảo người dân và Phật tử cử hành Đại lễ Phả độ gia tiên (cầu siêu cho hương linh cửu huyền thất tổ) theo nghi lễ Phật giáo Đại thừa - Kim Cương thừa. Lễ Vu lan báo hiếu công đức cha mẹ sinh thành sẽ tổ chức tại Tịnh thất Tây Thiên (5/9 - Rằm tháng Bảy).
Rất đông phụ nữ ghi tên của thai nhi xấu số để cầu nguyện con sớm siêu thoát
Nếu mỗi người đều sống được với đạo lý tri ân, báo ân thì sẽ tạo ra một xã hội an vui, tương thân, tương ái. Trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau...
Ý nghĩa cầu siêu phả độ gia tiên
Cầu tức là cầu nguyện, siêu có nghĩa là thoát. Cầu siêu có nghĩa là cầu nguyện để ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ của mình, nếu giờ này còn đang lưu lạc ở địa ngục, ngã quỷ, súc sinh thì sẽ được siêu thoát, được giải phóng khỏi cảnh giới khổ đau để sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà.
Theo lời chỉ dạy của Đức Phật, chúng ta rất cần làm các việc phúc thiện như phóng sinh, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, bảo vệ môi trường, thực hành thập thiện, để nương công đức đó hồi hướng cầu nguyện cho hương linh ông bà cha mẹ sớm được vãng sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà.
Trước đó, chư Ni tại Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên cũng đã dành trọn một ngày để lập đàn cầu siêu cho các thai nhi xấu số. Có rất nhiều người trẻ tham dự và họ đã thổn thức khi lần đầu được nghe giáo pháp, lần đầu hiểu được mình đã mang tội với con.
Quá nhiều tập giấy ghi tên các em bé, thai nhi xấu số
Số lượng người đến dự khoảng hơn 3.000 người nhưng những cái tên thai nhi cầu siêu có lẽ tới hàng vạn. Có nhiều lá phiếu ghi tới 5-6 cái tên, tất cả đều có chung 1 cái tên là Đỏ. Những đứa trẻ chưa được chào đời quá nhiều. Các em khao khát được cất tiếng khóc chào đời và đón nhận tình thương của cha mẹ. Song vì vô vàn lý do, không ít người phụ nữ đã hủy bỏ đi huyết nhục của chính mình.
Phật tử thành tâm đọc kinh sám hối, cầu siêu cho thai nhi
Chủ nhiệm CLB Trí thức trẻ - anh Trần Vũ Thành bày tỏ: “Đã đến lúc cần lên tiếng, cần sức mạnh của truyền thông để định hướng tư tưởng, kéo thế hệ trẻ đến chùa dự những buổi lễ cầu siêu để tỉnh thức về lối sống có trách nhiệm trong quan hệ khác giới”. Đừng đơn giản nghĩ đến bệnh viện nạo phá thai là xong, hoặc cho rằng, bào thai còn quá nhỏ không có xúc cảm - đây là suy nghĩ ích kỷ. Thực tế các bé Đỏ sẽ vô cùng đau đớn, hoảng hốt.
Theo kinh nhà Phật: Lúc này thai nhi trở thành những hương linh không còn thân thể vật chất mà tồn tại dưới dạng tâm thức năng lượng, tần sóng rung động, yếu ớt lang thang vô định không nơi bám víu che chở, vô cùng tội nghiệp. Thậm chí không ít “bé Đỏ” còn biết nảy sinh tâm thức oán hận mẹ cha và cả những người trợ giúp việc nạo phá thai.
Sư thầy đốt hóa danh sách tên cùng ảnh của các em bé, thai nhi
Chị Kim Liên (Hải Phòng) bộc bạch: “Cá nhân tôi tin rằng từ đàn lễ cầu siêu thai nhi, mỗi người đã tự biết trang bị cho mình hành trang tri thức, cùng đạo đức để sống tốt và có trách nhiệm hơn...”. Bởi vì, “Chúng ta đã dành trọn một ngày đầy ý nghĩa để sống và cầu nguyện vì trẻ em - những trẻ em cõi âm vô tội đã không có may mắn được góp mặt trên đời” - Sư thầy xúc động nhắn nhủ.