10h sáng ngày 14/7/1893, một sự việc đã xảy ra tại quảng trường lớn của tỉnh lỵ Trà Vinh. Khi ấy đang được dùng để tổ chức buổi lễ long trọng, dịp đại lễ Quốc khánh của nước Pháp.
KỲ 3: TIẾNG SÚNG ĐỊNH MỆNH TRONG BUỔI LỄ
Đại lễ được bố trí an ninh cẩn mật
Vào thời đó, toàn cõi Nam kỳ lục tỉnh đều nằm dưới sự cai trị của người Pháp theo kiểu “Nam kỳ tự trị”, cho nên nhất thiết đến ngày ấy thì ở hầu hết các tỉnh thành đặt dưới sự cai trị của chính quyền Pháp, đều phải tổ chức ngày đại lễ này hết sức long trọng. Trà Vinh không phải là tỉnh lớn của Nam kỳ, nhưng lại được chọn để tổ chức ngày lễ một cách long trọng nhất, là do nơi này có bộ máy công quyền thuộc loại mạnh nhất của chính quyền thuộc địa. Thứ hai nữa là nơi đây việc tổ chức công giáo phát triển rất mạnh. Các tín đồ công giáo không ngừng tăng trưởng. Các linh mục, giám mục người Pháp, người Việt đều rất nổi tiếng cho nên được lệnh của phủ toàn quyền đặt ở Sài Gòn.
Trà Vinh là nơi có bộ máy công quyền thuộc loại mạnh nhất của chính quyền thuộc địa.
Buổi lễ cử hành khá long trọng và quy tụ đến hàng vạn người của tỉnh Trà Vinh về tham dự, đồng thời còn có rất đông đồng bào ở các quận huyện và các tỉnh lỵ gần đó cũng kéo đến tham gia. Thành phần chủ tọa gồm chánh chủ tỉnh sở tại (thời đó đứng đầu mỗi tỉnh gọi là chánh chủ tỉnh hay tiếng Pháp gọi: Ches de Provin), thường là do một quan tham biện người Pháp nắm giữ. Bên dưới bộ máy đầu tỉnh đó có các quan mà đa phần là người Pháp, đặc biệt là hệ thống Tư pháp, tòa án thời đó được tổ chức rất chu đáo, chặt chẽ và vai trò của họ cũng đứng hàng đầu trong những kẻ thống trị ở mỗi địa phương. Chánh án tòa án tỉnh thường được gọi bằng ông Chánh.
Dân chúng còn gọi một cách khác nghe rất ngô nghê, theo ý của người Pháp là để tăng thêm phần quan trọng cho chức vụ của họ, đó là ngài nguyên soái (để chỉ ông chánh án, các thẩm phán biện lý tòa án đôi khi cũng còn được người ta tâng bốc lên thành các ông như là chánh biện lý, chánh thẩm phán v.v…). Buổi lễ hôm ấy Chủ tịch tỉnh Trà Vinh đã mời ông chánh Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long, ông đốc học Cần Thơ, ông chánh tòa Bạc Liêu, và dĩ nhiên là không thể thiếu các quan đầu sở toàn tỉnh Trà Vinh. Lễ đài được xây dựng thật hoành tráng ở quảng trường chính của tỉnh. Và ngay từ sáng sớm, hàng vạn người dân kéo về, được sắp xếp đứng thành vòng tròn kín cả quảng trường.
Trên lễ đài, các quan chức được ngồi ở những ghế sang trọng, với hệ thống an ninh bố trí dày đặc chung quanh, đã nói lên rằng, dẫu luôn hùng hồn tuyên bố rằng chánh quyền tự trị do người Pháp áp đặt, coi như an toàn tuyệt đối, và được dân chúng ủng hộ rộng khắp, nhưng tất cả những cuộc lễ lớn người Pháp đều rất ngại những việc bất an xảy ra. Cho nên ngoài lính mã tà (cảnh sát) do người Pháp tổ chức, gồm cả lính Pháp và cả người địa phương ăn lương của Nhà nước, được trang bị súng ống tận răng, còn có những lực lượng lính khố, tức dân quân địa phương được bố trí dày đặc. Do đó khó có ai dám nghĩ rằng sẽ có biến cố nào đó xảy ra đe dọa đến an ninh của buổi lễ.
Bị bẻ gãy bởi ông thầy thông Chánh “quèn”
Vậy mà khi buổi lễ mới bắt đầu vào lúc 8h sáng thì đã manh nha một vài dấu hiệu bất thường, khi một số quan chức địa phương bất ngờ nhìn thấy một viên chức cấp thấp được gọi là thầy thông Chánh (thông là thông phán tức thông ngôn, phiên dịch, Chánh là tên riêng) xuất hiện trên đường bước lên khu lễ đài với bộ đồ ka ki may theo kiểu đồng phục bốn túi có nai nịt bằng thắt lưng da bản lớn. Trên vai còn mang theo một khẩu súng săn hai nòng trông rất oai vệ và khác thường so với một thầy thông ngôn bình thường chỉ ăn mặc thường phục đóng thùng.
Một viên quan phủ gọi là Phủ Hơn vốn là viên chức của tòa án tỉnh hôm đó, được giao phụ trách an ninh trật tự khu lễ đài, khi nhìn thấy thầy thông Chánh xuất hiện trong bộ dạng như vậy thì lấy làm lạ cất tiếng hỏi: “Ủa hôm nay thầy đi dự lễ hay đi săn bắn mà ăn mặc gọn gàng, oai vệ đến như vậy?”. Thầy thông Chánh đáp lễ phép rằng, mình muốn cho ra vẻ một quan chức trong ngày mừng đại lễ, cho nên ăn mặc như vậy, và cũng để hưởng ứng cách ăn mặc long trọng của các cuộc diễu hành bên dưới mà lát nữa sẽ diễn ra. Nghe vậy thì Phủ Hơn mới chợt nhớ ra rằng, trong buổi lễ hôm nay còn có cuộc diễu hành của học sinh, công chức và các thị dân của tỉnh lỵ Trà Vinh cùng với một số bà con nông dân tiểu thương tụ hội về.
Đồng thời còn có một cuộc đua ngựa lớn đặc biệt chưa từng có sẽ diễn ra. Mà ngựa và nài ngựa được huy động từ tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Định Tường (tên cũ của tỉnh Mỹ Tho – Tiền Giang ngày nay). Kể cả một số ngựa và nài ngựa được điều về từ vùng Tầm Vu của tỉnh Tân An. Bởi vậy cho nên với câu trả lời của thầy thông Chánh như vậy, thì chính Phủ Hơn cũng phải lên tiếng khen: “Thầy chu đáo quá như vậy thì tốt lắm, sẽ được các quan khen là mẫn cán, có lòng tôn trọng và trung thành với nhà nước đại Pháp cho coi!”. Chính Phủ Hơn đã ưu ái xếp cho thầy Thông Chánh một vai trong ban trật tự lễ đài, mà đúng ra thầy không được vinh dự đó. Buổi lễ sau phần nghi thức long trọng với nhiều bài đit-cua (Discour) thì tới phần lễ chính là cuộc diễu hành long trọng.
Đích thân quan tham biện chủ tỉnh đã đọc bài diễn văn được cử tọa vỗ tay ầm ĩ. Điều đó khiến cho các quan Tây phổng mũi hài lòng, cho nên vừa phấn khởi vừa hả dạ, luôn đảo mắt nhìn quanh để trông rõ một không khí mà họ cho rằng sự thành công của Nhà nước tự trị. Ở hàng ghế thứ hai trên lễ đài có năm nhân vật quan trọng bậc nhất nhì của tỉnh, mà tiêu biểu là quan chánh án và dĩ nhiên là quan biện lý Jaboin, vốn là sếp trực tiếp của thầy Thông Chánh, bởi thầy làm thông ngôn cho lão ta. Jaboin mặt mày hớn hở nhưng khi nhìn thấy thầy Thông Chánh đứng phía sau đã vội quay lại ra hiệu cho thầy bước tới gần, như ngầm bảo rằng hãy bảo vệ riêng cho quan chức ngành Tòa án.
Thầy Thông Chánh bất ngờ sáng mắt lên và tỏ ra ngoan ngoãn nghe theo, mẫn cán khác thường khi luôn vịn tay vào cây súng hai nòng, đứng yên phía ngay sau lưng của biện lý Jaboin và các quan chức Tòa án. Lúc đó là 10h15. Chương trình buổi đại lễ diễn ra suôn sẻ mà phần đua ngựa mới là hào hứng bên dưới quảng trường thu hút hàng vạn người xem dán mắt vào những con ngựa khỏe mạnh, đẹp mắt, khác với những con ngựa kéo xe ốm nheo của tỉnh nhà, mà dân chúng quen nhìn nó chạy lộc cộc qua các đường phố và đường làng bấy lâu nay. Số ngựa này phần đông được điều về từ Tầm Vu - Tân An, là cái nôi của các đua ngựa vùng Sài Gòn và Đông Nam bộ, nên con nào cũng thuộc giống ngựa nhập ngoại, ngựa chiến để đua.
Còn tiếp…
Tiếng súng nổ trong cuộc đua ngựa Cuộc đua tuy không phải là đua chuyên nghiệp, nhưng với những con ngựa chiến ngon lành như vậy từ chạy nước kiệu cho đến chạy nước rút thần tốc qua cuộc đua bắt đầu từ 10h, đã khiến cho người xem mở nhãn và tiếng vỗ tay vang rần, càng làm cho buỗi lễ thêm phần long trọng và hấp dẫn, khiến các quan chức Tây hài lòng vô cùng. Tuy nhiên đó chỉ là phần mở đầu. Có nghĩa là buổi lễ chỉ thành công tới đó, tới khi một loạt tiếng nổ ra chát chúa gây kinh hoàng mọi người, cảnh hỗn độn và kinh hoàng diễn ra trên hàng ghế danh dự của các quan chức lớn ở lễ đài, cảnh người ta la ó, tuôn chạy như ong vỡ tổ, khiến cho hàng vạn người ở quảng trường quanh đó cũng phải hốt hoảng tuôn chạy theo, với những tiếng la khóc vang trời. |