Lắp dải phân cách cứng tại điểm nhà chờ buýt BRT, nên hay không?

Mai Đỉnh| 20/01/2017 10:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xung quanh việc lắp đặt dải phân cách cứng tại các điểm nhà chờ buýt nhanh BRT có nhiều ý kiến trái chiều. Câu hỏi đặt ra, nên hay không áp dụng phương cách này để giảm ùn tắc giao thông?

Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, thành phố và Sở GTVT đã chấp nhận đề xuất việc thí điểm lắp dải phân cách cứng tại các nhà chờ gần nút giao trên đường BRT, để hạn chế phương tiện cá nhân lấn làn.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị Hà Nội chia sẻ: "Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng và ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT đều tán thành đề xuất này. Hiện, Trung tâm đang khảo sát và dự kiến lắp ở 5-6 điểm".

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chỉ đạo trong ngày 20/1, các đơn vị phải lắp đặt xong dải phân cách cứng, điều chỉnh đèn tín hiệu trên tuyến buýt nhanh (BRT). Dải phân cách cứng cao 60 cm, thiết kế di động, có chân đế bằng nhựa cứng và được thiết kế theo kiểu mũi tên có phản quang.

Lắp dải phân cách cứng tại điểm nhà chờ buýt BRT, nên hay không?

Lắp dải phân cách cứng tại các nhà chờ gần nút giao trên đường BRT, để hạn chế phương tiện cá nhân lấn làn. Nhưng liệu có hạn chế gây ùn tắc giao thông?.

Ông Hải cho biết thêm: "Thực tế cho thấy, buýt nhanh phải chạy chậm, tắc nghẽn ở các nút giao. Những đoạn này người dân thường lấn làn, tạt đầu để quay xe. Do đó,  việc lắp đặt dải phân cách cứng sẽ góp phần hạn chế hiện tượng lấn làn, tạt đầu xe buýt nhanh, tạo điều kiện cho xe vận hành trơn tru, nhanh chóng hơn khi qua nút, hạn chế gây ùn tắc giao thông". 

Tuy nhiên, việc lắp dải phân cách cứng cũng có vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, như gây tai nạn, có thể làm tình trạng ùn tắc giao thông thêm nghiêm trọng. Hà Nội trước đây cũng có dải phân cách cứng bố trí không hợp lý trên đường và hiện đã phải gỡ bỏ, gây lãng phí.

Về vấn đề này, chiều 19/1, trao đổi với PV báo Công lý, PGS.TS Bùi Xuân Cậy (Đại học GTVT) cho rằng, việc lắp dải phân cách cứng trên tuyến đường hẹp dành cho buýt nhanh BRT, có mật độ giao thông lớn là chưa hợp lý bởi làn đường dành cho các phương tiện hiện nay khá hẹp, trong khi mật độ phương tiện khá cao nên việc lắp đặt thêm dải phân cách cứng sẽ tăng nguy cơ ùn tắc, tai nạn cũng dễ xảy ra do va vào dải phân cách. Có chăng thì nên tăng cường xử lý các phương tiện lấn làn như hiện nay. 

Cùng quan điểm, ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải bày tỏ: "Nếu chúng ta làm dải phân cách cứng thì làn đường còn lại rất hẹp, rất khó cho quản lý và phân luồng giao thông, đặc biệt là phương tiện cá nhân, đi sẽ va quệt và sẽ gây tai nạn nhiều. Thực ra, chúng ta phải đồng bộ khi có nhu cầu quản lý giao thông tốt hơn, phân luồng, phân làn giao thông tốt hơn thì chúng ta đưa vào áp dụng sẽ khả thi hơn nhiều".

Còn ông Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị nói: "Tôi nghĩ lắp dải phân cách cứng không phù hợp ở thời điểm này. Sẽ có nhiều tai nạn xảy ra, áp lực giao thông còn quá lớn". 

Đề xuất đặt dải phân cách cứng nhằm hạn chế tình trạng lấn làn buýt nhanh dự kiến triển khai trên nhiều đoạn nhà chờ có mật độ lưu thông cao như Khuất Duy Tiến, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thúy… vào dịp trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Các nhà chờ này đều nằm tại các khu vực kề cận nút giao có mật độ giao thông cao, dải phân cách sẽ được lắp từ vị trí nhà chờ kéo dài đến nút giao liền kề.

Việc đưa ra nhiều giải pháp để làm "giảm nhiệt" giao thông Hà Nội là việc làm được khuyến khích, tuy nhiên làm gì và làm như thế nào lại là câu chuyện khá dài, cần được tính toán chi tiết, đồng bộ, khi đó mới có thể giải quyết được bài toán giao thông đô thị đang ngày càng nóng hiện nay.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lắp dải phân cách cứng tại điểm nhà chờ buýt BRT, nên hay không?