Làng tăm hương Quảng Phú Cầu phục hồi sản xuất sau giãn cách

Duy Uyên| 20/09/2021 14:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau gần 2 tháng phải tạm dừng sản xuất do TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, với chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội của thành phố Hà Nội, từ 12 giờ ngày 16/9, các cơ sở sản xuất làng nghề ở phân vùng 2 và 3 bắt đầu hồi sinh, nhịp sản xuất sôi động trở lại sau thời gian dài tạm lắng.

Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vốn được biết đến là làng nghề có truyền thống hơn 100 năm. Đây là nơi cung cấp nguồn hương lớn cho khu vực phía Bắc. Ban đầu nghề làm hương tập trung chủ yếu ở thôn Phú Lương Thượng với mô hình nhỏ lẻ. Tuy nhiên vài chục năm trở lại đây, khi thị trường tiêu thụ được mở rộng, sản phẩm được xuất khẩu, nghề này đã phát triển mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của hàng nghìn lao động, khắp 6 thôn trong xã Quảng Phú Cầu.

qpc-5-.jpg
Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vốn được biết đến là làng nghề có truyền thống hơn 100 năm. Đây là nơi cung cấp nguồn hương lớn cho khu vực phía Bắc

Nếu như trước kia, bước chân đến Quảng Phú Cầu có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh với hai sắc màu đỏ và nâu của chân hương và thân hương được phơi khắp đường làng, thì nay dường những hình ảnh đó hoàn toàn “biến mất”. Sở dĩ vậy là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên mọi hoạt động sản xuất của bà con làng nghề này hoàn toàn bị đình trệ.

Nhiều cơ sở sản xuất tăm hương ở Quảng Phú Cầu phải đóng cửa để tuân thủ quy định của Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội. Những người thợ của làng nghề bỗng dưng mất việc và thu nhập gần như không còn, bởi đại đa số đều sống bằng thu nhập từ việc làm tăm, hương.

Mới đây, từ ngày 16/9, chính quyền Hà Nội cho phép 19 quận, huyện “vùng xanh” được nới lỏng một số hoạt động trở lại, trong đó có việc cho các cơ sở kinh doanh, cơ sở sản xuất, cửa hàng ăn uống được mở cửa. Tuy nhiên khi trở lại sản xuất, các chủ cơ sở đều phải ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất, cũng như yêu cầu công nhân phải chấp hành thông điệp 5K, rửa tay khử khuẩn, đo thân nhiệt và khai báo y tế vào mỗi sáng khi đến nơi làm việc.

Tại xưởng gia công làm hương của chị Nguyễn Thị Bình, thôn cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu hiện có 8 công nhân đang làm việc. Công việc hàng ngày của các công nhân ở đây là làm thân hương, phơi khô sản phẩm. Với việc xưởng phải tạm ngừng sản xuất do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 toàn TP Hà Nội đã ít nhiều ảnh hưởng đến thu nhập của các công nhân nơi đây.

quangphucau-2-.jpg
Hàng ngày công nhân tại xưởng gia công của chị Bình ở thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu sẽ làm thân hương.....
qpc-1-.jpg
quangphucau-1-.jpg
... .phơi hương khi trời có nắng. Ảnh Nam Nguyễn
quangphucau-3-.jpg
Với sự hỗ trợ của máy móc, hiện năng suất làm hương tại xưởng tăng lên nhiều so với trước kia làm thủ công. Ảnh Nam Nguyễn

Sau gần 2 tháng tạm nghỉ, các công nhân tại cơ sở của chị Bình đã trở lại làm việc. Theo chị Bình, trước khi vào làm việc, các công nhân đều phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay. Các công nhân ở đây hầu hết đều là bà con trong làng và đã được tiêm vắc xin mũi 1 để phòng dịch Covid-19. Việc trở lại sản xuất không chỉ đem lại niềm vui cho công nhân mà còn giúp họ có thu nhập để trang trải cuộc sống.

Anh Nguyễn Hữu Trường, chủ cơ sở sản xuất tăm Ánh Trường, thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa cho biết: “Xưởng của tôi chuyên sản xuất tăm để làm hương các loại. Thời gian nghỉ dịch, chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi công việc sản xuất bị đình trệ, thu nhập hàng ngày cũng giảm sút. Xưởng của tôi tạm dừng nghỉ nên hàng hóa cũng bị rớt giá, nay mới trở lại sản xuất, công việc cũng không thuận lợi như trước. Hiện tại chúng tôi cũng từng bước khắc phục những khó khăn để ổn định hoạt động. Một số khách hàng cũng đã bắt đầu gọi hàng, đặt đơn để chúng tôi sản xuất”.

qpc-6-.jpg
Để trở lại làm việc, công nhân trong xưởng của anh Trường phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch Covid-19. Các công nhân đều đã được tiêm vắc xin và thực hiện test Covid -19 theo quy định
qpc-7-.jpg
Xưởng của anh Nguyễn Hữu Trường chủ yếu sản xuất tăm để làm các loại hương

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Nhất, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, hiện xã Quảng Phú Cầu có 6 thôn thì cả 6 đều là các làng nghề, công nhân trong các xưởng sản xuất này chủ yếu là người trong làng nên việc quản lý cũng không gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nhất: “Sau thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, hiện nay đang nới lỏng một số hoạt động, chính quyền xã vẫn tiếp tục tuyên truyền vận động bà con, trước hết cần thực hiện tốt việc vừa sản xuất, vừa chống dịch. Đặc biệt tại các cơ sở sản xuất tăm, hương, người dân thực hiện rất tốt công điện, chỉ thị các cấp, đặc biệt là các thông báo của UBND xã Quảng Phú Cầu. Sau giãn cách, các hộ sản xuất chủ động có phương án phòng dịch, đảm bảo yêu cầu của Bộ Y tế”.

ctx.png
Ông Nguyễn Hữu Nhất, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội

Ông Nhất cho biết thêm, chính quyền xã cũng rất quyết tâm trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế theo tinh thần nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã, do vậy UBND luôn tạo điều kiện cho bà con sản xuất, đặc biệt sau giãn cách bà con tập trung vào sản xuất để khôi phục kinh tế, đồng thời nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần vào phát triển kinh tế của huyện.

Đối với các xưởng khi bắt đầu sản xuất lại đều phải ký cam kết với UBND xã về các phương pháp phòng chống dịch và lên phương án sản xuất gửi UBND xã phê duyệt.

Việc ngưng trệ sản xuất trong thời gian dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu, đóng góp ngân sách và việc làm cho người lao động. Bởi vậy, khi thành phố nới lỏng việc giãn cách, người dân làng nghề rất phấn khởi, tập trung lao động, sản xuất.

Dù người dân làng nghề rất phấn khởi khi sản xuất bắt đầu phục hồi nhưng thực tế sau những tác động của dịch Covid-19, các làng nghề gặp không ít khó khăn. Nhất là các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, tiềm lực còn hạn chế, sau thời gian dài nghỉ dịch thì nguồn thu hạn hẹp, việc đầu tư tái sản xuất gặp nhiều vướng mắc.

Thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện phải liên thông thông suốt, giải quyết ngay khúc mắc, đảm bảo tinh thần an toàn mới được sản xuất, sản xuất phải an toàn đi đôi với tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Theo kế hoạch của UBND huyện, xã Quảng Phú Cầu đã xét nghiệm cho 3112/3112 hộ dân, đạt tỉ lệ 100%. Việc thực hiện tiêm vắc xin ngoài lực lượng của huyện, TP còn có sự hỗ trợ của đoàn bác sĩ Hà Nam, đã tiêm xong trước 15/9, đảm bảo an toàn, không có trường hợp xấu xảy ra.

Trên địa bàn xã Quảng Phú Cầu từ khi thực hiện Chỉ thị 16 không có trường hợp nào là F0, các trường hợp công dân từ nơi khác về đều được rà soát và yêu cầu thực hiện cách ly theo đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng tăm hương Quảng Phú Cầu phục hồi sản xuất sau giãn cách