Trong đời làm báo, tôi đã không ít lần phải phiền lòng khi chứng kiến những vụ kiện tụng rắc rối liên quan đến bạn bè, đồng nghiệp chỉ bởi những sơ xuất rất…không đâu của họ.
Làm báo - xin chớ xem thường “nhân vật phụ”
Trong đời làm báo, tôi đã không ít lần phải phiền lòng khi chứng kiến những vụ kiện tụng rắc rối liên quan đến bạn bè, đồng nghiệp chỉ bởi những sơ xuất rất…không đâu của họ. Và, như thể một thứ “gót chân Asin” của người làm báo, ngày mỗi ngày tôi càng nghiệm ra rằng, cái lỗi gần như phổ biến của các nhà báo ta - đặc biệt là của các cây viết trẻ hiện nay - là khi viết chân dung nhân vật, họ dường như chỉ để mắt tới “nhân vật chính” mà rất ít khi đoái hoài tới các…“nhân vật phụ”. Trong khi thực tế, nhiều phản ứng này nọ về bài viết của họ lại từ đối tượng này mà ra.
Chúng ta đều biết, khi viết chân dung hoặc thực hiện một cuộc phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng, thì âm hưởng chung của làng báo chúng ta hiện nay vẫn là ngợi ca. Điều đó kể cũng đúng thôi. Có tôn vinh thì mới nên kỳ công dựng chân dung nhân vật. Song phương pháp thực hiện của chúng ta cơ bản vẫn là: Để làm đậm mảng này thì phải làm… nhạt mảng kia. Không những thế, khi viết, chúng ta quá tin vào những phát biểu, những lời tâm sự (kể cả những câu đùa vui ít độ xác thực) của các “nhân vật chính”. Lúc ấy, trước mắt ta như chỉ có một nhân vật, sừng sững một nhân vật. Tất cả còn lại chỉ là…cục đất thó, là vật vô tri giác, là một đám người “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”, tóm lại là những thứ, những loại không đáng để ta bận tâm tới.
Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường Ảnh: MH
Thế nhưng, những con người tưởng là “vô hình” mà ta không một chút để mắt tới ấy, một ngày nọ bỗng hiện lên như những nhân vật hết sức… sống động, thậm chí còn gớm ghiếc là đằng khác, khi trong tay họ là những lá đơn khiếu kiện và trên miệng họ không ngớt những lời rủa sả. Đến lúc ấy thì, ngay những “nhân vật chính” vốn được ta nhất nhất tin tưởng bỗng chốc hốt hoảng quay ra rũ bỏ những phát ngôn trước đó của mình. Không ít người còn núng thế quay sang “đồng minh” với họ để cùng phản ứng lại nhà báo. Và để dẫn tới tình trạng này, chúng ta không thể không xem lại những sơ xuất trong thao tác nghề nghiệp của mình.
Ở đây tôi chỉ xin đơn cử một vài ví dụ.
Một thời gian sau khi nữ nhà văn nọ được điều động về làm Phó Tổng biên tập một tờ báo, có phóng viên đã sốt sắng viết bài về sự thay đổi vị trí của chị. Không rõ hai bên trao đổi với nhau những gì mà rồi sau đó, thấy phóng viên viết trên báo, rằng thì “Từ ngày chị về, tờ báo khởi sắc hẳn lên”. Chỉ một nhận xét ấy thôi, mà nữ văn sĩ nọ lo tới mất ăn mất ngủ, quýnh quáng yêu cầu cải chính. Còn ông Tổng biên tập - nơi chị công tác - thì nổi đóa lên, phản ứng lại tòa báo, rằng phóng viên nói vậy chẳng hóa ra trước đấy, ông và cả tòa soạn của ông chỉ là một lũ bất tài, vô tích sự hay sao? Không dừng ở đấy, ông còn yêu cầu tòa báo nọ xác minh xem có “âm mưu” gì nhằm “hất cẳng” ông không. Quả thật, đây là một điều mà phóng viên nọ hoàn toàn không ngờ tới. Bởi khi viết, anh chỉ nghĩ đơn giản một điều: Nữ nhà văn nọ là một người có nhiều sáng kiến. Và chính ở môi trường mới, chị đã được tạo điều kiện để phát huy năng lực của mình.
Một chuyện khác: Bậc họa sĩ đàn anh trong khi vui chuyện với một phóng viên trẻ, đã nửa đùa nửa thật rằng: “Tôi tiếng vậy song lại là người chung tình. Toàn là các bà ấy (tức những người vợ cả, vợ hai của ông- NV) bỏ tôi mà đi, chứ nào tôi có bỏ các bà ấy đâu”. Phóng viên thật thà đưa lên báo câu nhận xét trên. Ngay lập tức “các bà”- những người mà chàng phóng viên chưa một lần hình dung ra họ mồm ngang mũi dọc thế nào - đã ở đâu ùn ùn kéo tới, với rành rành tang chứng yêu cầu toà soạn phải cải chính. Thì ra, phóng viên có thể vô tâm với lời nhận xét nói trên, song họ thì không “vô tâm” được. Họ cho rằng, viết vậy thì hóa ra việc “đổ bể” của gia đình họ là xuất phát từ chính họ, còn ông họa sĩ thích “hoa lá cành” kia thì… vô can. Và thế là, được dịp, họ thông thốc kể ra đủ các loại “tội” của người từng một thời là đức lang quân của mình.
Một chuyện khác: Một nhà thơ thuộc lứa chống Mỹ hốt nhiên được một cây bút phê bình suy tôn cùng 4 nhà thơ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Tố Hữu, Nguyễn Bính là 5 nhà thơ lớn của Việt Nam thế kỷ XX. Việc sắp xếp có thể đúng, có thể sai, và người không đồng tình với nhận định trên có thể có ý kiến trao đổi lại. Đó là việc bình thường. Tiếc thay, trên một tờ tạp chí, sau khi có những ý kiến nặng nề với người đưa ra việc “sắp xếp” nói trên, một tác giả đã có những lời lẽ bất cẩn như sau: “Không thể là nhốt một con đại bàng, một con phượng hoàng cùng vài ba chú gà què chuyên ăn quẩn cối xay”. Điều này đã khiến nhà thơ được nhắc tới trên không chỉ buồn mà còn rất… phẫn nộ. Ngay lập tức, ông làm đơn phản ứng lại tác giả và tòa báo đã cho đăng bài viết nọ. Đơn của ông có đoạn: “Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính đã thành người thiên cổ, còn những ai là vài ba chú gà què chuyên ăn quẩn cối xay?”. Và ông giận dữ đặt câu hỏi: “Liệu ông có thể chứng minh, ai trong những nhà thơ trên đã làm những điều gì không tốt đẹp cùng đất nước này?”.
Dĩ nhiên câu hỏi đặt ra, tác giả bài báo nọ không thể chứng minh được.
Đơn giản là bởi ông viết để thể hiện thái độ bực bội của mình đối với “nhân vật chính” - tức tác giả cuốn sách phê bình nọ - chứ không hề để ý tới thái độ của “nhân vật phụ”, là nhà thơ nhắc tới trên. Và vì thế mà ông không thể lường được phản ứng của nhân vật này ra sao.
Rốt cuộc, tòa báo nọ đã phải in bài xin lỗi người bị “động chạm” trong bài viết nói trên. Chung qui cũng tại các nhà báo của chúng ta đã quá xem thường… “nhân vật phụ”.
Phạm Khải