Việc ngư dân Hà Tĩnh phát hiện Formosa đang xả thải xuống biển đã khởi đầu cho cuộc đấu tranh về pháp lý xung quanh thảm họa mang tên Formosa.
Vì sao các cơ quan chức năng ở Trung ương và ở Hà Tĩnh không phát hiện hành vi xả thải ra môi trường của Formosa? Một đoàn công tác của Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn đã không thể thực hiện kiểm tra tại chỗ vì Formosa là doanh nghiệp nước ngoài .
Còn các chức việc ở Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) liên tục lên tiếng về điều mà họ cho rằng có những “lỗ hổng pháp luật” về môi trường khiến Formosa mới làm liều gây ra thảm họa môi trường.
Vậy thực hư các "lỗ hổng pháp luật” về bảo vệ môi trường là gì? Có hay không các lỗ hổng này?
Nghiên cứu kỹ Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sẽ thấy luật đã quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án và trách nhiệm của cơ quan phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Tại Điều 27 của Luật BVMT đã quy định trách nhiệm của chủ đầu tư trước khi đưa dự án vào vận hành; tiếp theo Điều 28 quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT, cụ thể là cơ quan phê duyệt ĐTM trước khi đưa dự án này vào vận hành. Pháp luật đã có quy định đầy đủ và chặt chẽ. Vấn đề là cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể ở đây là Bộ TN&MT có thực hiện đầy đủ trách nhiệm hay không.
Dư luận không đồng tình với các ý kiến đổ lỗi cho "lỗ hổng pháp luật” hay cơ chế quản lý. Các chuyên gia khẳng định không có “lỗ hổng” nào ở đây! Cơ quan chức năng đã buông lơi sự kiểm tra, đánh giá cụ thể, không thực hiện đầy đủ theo quy trình và trách nhiệm mà Luật đã quy định cụ thể. Trong quá trình điều tra, người ta đã làm rõ chính Bộ TN&MT phê duyệt ĐMT, và cũng chính Bộ trưởng đã ủy quyền cho một ông Thứ trưởng sắp nghỉ hưu cấp phép cho Formosa xả thải xuống biển.
Quyết định 25/2014/QĐ-TTg ngày 25/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ TN&MT, trong đó có quy định rất cụ thể trách nhiệm của Tổng cục Môi trường trong việc giám sát trong giai đoạn thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm các dự án (điểm đ khoản 8 Điều 2).
Nhìn lại vụ xả thải của Formosa sẽ thấy Tổng cục Môi trường đã không giám sát các biện pháp bảo vệ môi trường nên không biết họ xả bao giờ, xả chất gì, khối lượng bao nhiêu. Thế là rõ, không phải pháp luật bỏ sót mà do Tổng cục Môi trường vô trách nhiệm để chủ đầu tư muốn xả gì cũng được.
Các luật sư nhận xét, sự cố này loại trừ lý do thiên tai bất khả kháng mà do trách nhiệm thực thi công vụ thì vấn đề trách nhiệm pháp lý phải được đặt ra.
Dư luận cũng cho rằng cần thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quyết tâm xử lý kiên quyết hành vi vi phạm, tuyệt đối không có sự bao che dung túng để sớm rút ra kinh nghiệm có tính thực tiễn về bài học môi trường, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cho các dự án khác ở Việt Nam. Hãy vì sự sống lâu dài và khỏe mạnh của thế hệ mai sau, đừng đánh đổi môi trường lấy sự phát triển thiếu bền vững!