Tại cuộc họp báo của Bộ Y tế có sự tham dự của Trưởng đại diện WHO và Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh”lạ”.
Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh lạ ở Quảng Ngãi
Các mẫu đất, nước, máu, móng tay... được lấy mẫu xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân tại huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi, ông Long cho biết. “Với các kết quả nghiên cứu ban đầu, các Hội đồng khoa học đã xác định hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân có thể do nguyên nhân nhiễm độc trên cơ địa người có tình trạng dinh dưỡng kém”, ông Long cho hay.
Vậy là, Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp phòng bệnh từ năm 2011 với việc tiêu độc, vệ sinh môi trường và cử các chuyên gia về da liễu điều tra. Bộ đã hợp tác chặt chẽ với các phòng xét nghiệm tại Nhật Bản, cũng như tham vấn ý kiến chuyên gia của CDC và đã gửi các mẫu bệnh phẩm (sinh thiết gan, sinh thiết da) tới các phòng xét nghiệm này. Các mẫu máu người bị bệnh do phòng xét nghiệm trường ĐH Nagasaki (Nhật Bản) thực hiện bằng kỹ thuật hiện đại, so sánh với ngân hàng gien của hơn 240 loài vi rút, vi khuẩn cho thấy không có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên, với trên 1.900 mẫu xét nghiệm đang được gửi đến các phòng xét nghiệm đủ năng lực trong nước cũng như tại Nhật Bản nhưng Thứ trưởng Long vẫn ngậm ngùi công bố, chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gốc gây hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân ở Ba tơ. Và trên thế giới cũng chưa có ca bệnh nào có cùng triệu chứng. Hiện tại, để giảm tử vong, Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ địa phương về chuyên môn, thiết bị để điều trị sớm các ca mắc.
Trong khi đó, theo Trung tâm y tế Ba Tơ (Quảng Ngãi), chỉ trong vòng nửa đầu tháng 5 đã ghi nhận thêm 39 trường hợp mắc bệnh lạ (bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân) và có 2 trường hợp tử vong. Như vậy, sau hơn 1 năm kể từ ngày phát hiện ca bệnh đầu tiên, tại huyện Ba Tơ có đến 205 người mắc và 21 trường hợp tử vong. Trong lúc chưa tìm ra căn nguyên của bệnh thì việc tái phát bệnh ngày càng tăng khiến nhiều người sợ hãi. Được biết, hiện có 40 trường hợp tái phát bệnh. Điều đáng lo ngại là các trường hợp tái phát, bệnh lại nặng thêm, dẫn đến dễ tử vong do suy đa phủ tạng. Trong số 21 trường hợp tử vong có 10 trường hợp tái bệnh.
Vậy là ngành Y tế vẫn bó tay và chuyện lạ về bệnh “lạ” chưa có hồi kết!
Bảo Dân