Hoạt động công ty ngành đường cũng như giá cổ phiếu trong ngành đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi. Tuy nhiên, dự báo ngành đường trong năm 2014 sẽ “ngọt ngào” hơn, tại sao?
Có lẽ chưa bao giờ thị trường và tâm lý của nhà đầu tư “bão hòa” về cổ phiếu như thời điểm hiện nay, kinh tế chưa hết hẳn khó khăn và doanh nghiệp niêm yết cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, các mã cổ phiếu có thị giá dưới 10,000 đồng trở nên phổ biến. Riêng với nhóm ngành đường, vốn được xếp vào nhóm hàng cơ bản, có tỷ lệ tăng trưởng ổn định và về trung hạn và đây là nhóm cổ phiếu phù hợp để tích lũy… Cổ phiếu ngành đường cũng tương đối giữ giá, với thị giá các công ty niêm yết trong biên độ 11,000-16,000 đồng/cổ phiếu, hay đặc biệt là Đường Sơn La (HOSE: SLS) với thị giá 26,000 đồng/cp. Tuy nhiên, gần đây, các diễn biến về hoạt động công ty ngành đường cũng như giá cổ phiếu ngành đang bị tác động bởi nhiều diễn biến khác nhau.
Trước tiên là các điểm bất lợi và ảnh hưởng nhiều đến ‘hình ảnh” các công ty ngành đường - với cả các yếu tố khách quan và chủ quan. Về khách quan, không nằm ngoài tình trạng cung vượt cầu vụ vừa qua, sản lượng đường thế giới dư khoảng 6.5 triệu tấn, sản lượng đường trong nước dư khoảng 400,000 tấn. Qua niên vụ 2014, dự kiến sản lượng sản xuất trong nước tối đa khoảng 1.7 triệu tấn, tình trạng đường lậu vẫn hoành hành, tiêu thụ trong nước 1.4 triệu tấn… Có thể thấy, dư cung đường vẫn là bài toán các doanh nghiệp phải đối diện trong năm 2014.
Thêm vào đó, về chủ quan thì dư luận cũng được “hâm nóng” bởi câu chuyện về những ý kiến của Hiệp hội mía đường trong khoảng thời gian 3 tháng gần đây, không phải về các vấn đề như giải quyết đường lậu tràn lan, phối hợp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giảm giá thành nâng cao năng lực cạnh tranh đường trong nước, tăng cường cơ giới hóa hay quy hoạch ngành, làm sao để người nông dân gắn bó với cây mía... mà là vấn đề được Hiệp hội gọi là “lợi ích nhóm” đối với việc CTCP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) luyện và xuất khẩu đường có nguồn gốc từ CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE HAG) qua các cửa khẩu như Bản Vược... sang Trung Quốc. Câu chuyện này cũng phần nào đã được làm rõ qua bài trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú.
Tuy nhiên, ngành mía đường vẫn còn đó nhiều điểm lợi thế đáng chú ý. Thứ nhất, sản lượng đường thế giới năm 2014 được dự báo giảm lượng dư cung xuống mức 2.5 triệu tấn, đây được xem là năm “khó khăn” cuối cùng trong chu kỳ giảm giá ngành đường. Các tập đoàn kinh doanh đường quốc tế cũng đang rục rịch chuẩn bị đầu cơ để tận dụng cơ hội.
Thứ hai, về bản thân các công ty trong ngành mía đường, nhiều công ty đã nhận diện và đang giải quyết những điều “cần làm và phải làm” - đó là làm sao cho ngành mía đường Việt Nam có thể cạnh tranh với khu vực, ví dụ như với đường Thái Lan, chứ không chỉ dừng ở vấn đề “nhấp nhổm” với câu chuyện của “quân ta - quân mình”, như câu chuyện Hoàng Anh Gia Lai - 1 doanh nghiệp Việt Nam - có các lợi thế khi đầu tư sang Lào. Câu trả lời chính là nằm ở vấn đề “GIẢM GIÁ THÀNH” - sản xuất đường có chất lượng, giá đủ sức cạnh tranh - đây chính chìa khóa then chốt của bài toán kinh tế thị trường…
Điều này có thể nhìn thấy rõ các các số liệu thực tế. Cách đây một năm, giá đường RE - đường tinh luyện loại 1, điển hình nhất là của Đường Biên Hòa, một thương hiệu uy tín và gắn bó với người tiêu dùng, rơi vào khoảng 20,000 đồng/kg, đây là giá bán lẻ qua các kênh phân phối với các chi phí về bao bì, vận chuyển… còn giá bán sỉ cho khách hàng công nghiệp khoảng 16,000 đồng/kg, đường bán lẻ RS - đường loại 2 thì vào khoảng 16,000-17,000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, giá bán đường RE tại siêu thị là 18,000 đồng/kg, giá bán sỉ là 14,500-15,000 đồng/kg, và giá đường RS chỉ còn khoảng 13,500 đồng/kg. Mức giá này đang rất có lợi hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp sản xuất, trước các thách thức khốc liệt, trong điều kiện giá bán sụt giảm, các công ty đường vừa phải đảm bảo lợi nhuận và mức cổ tức hợp lý đối với cổ đông, vừa đảm bảo giá mua mía đủ “hợp lý” để người nông dân gắn bó với cây mía, thay vì chuyển đổi cây trồng sang các loại cây như cao su, cây mì… Vậy “cái khó có ló cái khôn” không?
Thứ ba, việc cung cầu về đường cần cái nhìn dài hơi và chiến lược hơn, chứ không chỉ là giải quyết lượng hàng sản xuất từng năm. Thái Lan đang sản xuất hơn 11 triệu tấn đường/năm và tiêu thụ nội địa 3 triệu tấn, còn lại là xuất khẩu. Vậy tại sao chúng ta không nhìn nhận vấn đề chiến lược ngành đường trong 5 năm tới là các doanh nghiệp cần chuyển sang thế chủ động và đủ mạnh để ngành đường sẵn sàng cho việc xuất khẩu như các ngành nghề khác mà Việt Nam đang có lợi thế?
Bên cạnh những đề xuất và mong đợi từ chính sách, như Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân - đã thể hiện qua hàng loạt bài phỏng vấn và hội thảo gần đây - đó là tầm quan trọng của chính sách quy hoạch ngành và các giải pháp đồng bộ... Có thể thấy, rõ ràng, các công ty mía đường tiêu biểu đang thể hiện thành công sức mạnh nội lực. Mía đường Bourbon Tây Ninh (HOSE: SBT), Đường Biên Hòa, bên cạnh các lợi thế về dây chuyền sản xuất hiện đại nhất Đông Nam Á - công nghệ Châu Âu, hay thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng, thì các đơn vị vẫn đang nỗ lực hợp lý hóa sản xuất giảm giá thành, đảm bảo chất lượng sản phẩm để vững về “đầu ra”. Với các cải tiến này, vụ mùa năm nay, chữ đường mía đã tăng 10% và giá thành giảm 10% tương ứng.
Và đặc biệt hơn, là tập trung vào hoạt động khai thác chuỗi giá trị ngành đường, đầu tư sau đường nâng cao giá trị gia tăng, góp phần vào mục tiêu giảm giá thành, cụ thể nhất là hoạt động nhiệt điện từ bã mía, hay sản xuất ethanol... Các công ty như Mía đường Bourbon Tây Ninh, Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (HOSE: SEC), Đường Ninh Hòa (NHS), Đường Khánh Hòa, Đường Sóc Trăng (Sosuco)… hiện đang phát điện ổn định lên lưới quốc gia, dự báo giá điện từ bã mía sẽ tăng trong tháng 1/2014 do chính sách khuyến khích năng lượng sinh khối của chính phủ theo lời ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo thuộc Viện Năng lượng (Bộ Công Thương).
Số liệu hoạt động các công ty đường tiêu biểu cho thấy rõ sự tăng trưởng ổn định. Lấy 5 công ty đường đang niêm yết tiêu biểu là SBT, BHS, SEC, NHS và SLS, trong năm 2012, các công ty này có tỷ lệ cổ tức từ 20-30%, qua năm 2013 tình hình ngành đường khó khăn hơn rất nhiều nhưng họ vẫn đảm bảo tỷ lệ cổ tức từ 13-20%; tăng trưởng doanh thu năm 2012 và 2013 từ 90-130%, tỷ lệ lợi nhuận trước thuế năm 2012 tăng trưởng từ 30-120% tại nhiều đơn vị. Và gần đây nhất, với kết quả lợi nhuận khả quan 3 quý đầu năm 2013, và quý 4 lại là thời điểm tiêu thụ mạnh theo đặc thù hoạt động ngành. Lợi nhuận năm năm 2013 đang được nhận định là tương đối tích cực. Điển hình như BHS, công ty này dự báo lợi nhuận trước thuế riêng quý 4 khoảng 45 tỷ; còn SBT dự báo ghi nhận tầm 110 tỷ đồng, tương đương gần 80% lũy kế 3 quý đầu năm.
Ngoài lợi tức cao như trên, các công ty đường cũng đang được định giá thấp và nhu cầu tiêu thụ đường từ các công ty sản xuất thực phẩm và đồ uống dự báo sẽ tăng trưởng tích cực hơn trong năm tới. Như vậy, với thực tế tình hình hoạt động, dự báo ngành đường năm 2014, cũng như tiềm năng phát triển và dự báo trung hạn từ các yếu tố chắc chắn như trên, chắc hẳn hoạt động ngành đường sẽ “ngọt ngào” hơn trong năm 2014!
Minh Hằng