Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Canada đăng tải trên tạp chí "Biology Letters" (Anh) ngày 31/1, họ đã phát hiện một loài chim họa mi có thể thực hiện "hành trình phi thường" bay qua Bắc Đại Tây Dương.
Loài chim họa mi siêu nhỏ có tên khoa học Setophaga striata nói trên thuộc bộ chim sẻ. Với trọng lượng khoảng 12 gram, mỗi mùa thu đến, loài chim cổ trắng mào đen này thường di cư từ vùng New England tới Nam Mỹ.
Chim họa mi siêu nhỏ Setophaga striata.
Bằng cách phân tích tín hiệu thu được từ thiết bị nhỏ xíu ghi lại hành trình bay gắn vào khoảng 40 chú chim họa mi, các nhà khoa học nhận thấy "bằng chứng không thể chối cãi" rằng chúng đã thực hiện một mạch hành trình bay dài khoảng 2.270 đến 2.770 km mà không ngừng nghỉ.
Đây cũng chính bằng khoảng cách từ bang Vermont của Mỹ và tỉnh Nova Scotia của Canada tới Puerto Rico, Cuba và quần đảo Greater Antilles, nơi loài chim nhỏ này đã đậu để nghỉ trước khi tiếp tục hành trình tới miền Bắc Venezuela và Colombia vào mùa Hè.
Phát hiện trên đã giúp giải đáp thắc mắc trong suốt 50 năm qua về việc liệu loài chim họa mi có thể bay liên tục qua đại dương hay phải hạ cánh trên đất liền trước khi tiếp tục "chuyến bay" đường dài.
Các nhà khoa học cho rằng, mặc dù chim hải âu, các loài chim nhỏ sống tại vùng cát ướt ven sông và loài mòng biển vốn được biết đến với khả năng bay các chặng siêu dài nhờ đôi cánh dài rộng, nhưng chúng vẫn có thể đậu trên mặt nước khi mệt hoặc khi gió to. Vì vậy, đối với loài họa mi rừng xanh có kích thước không to hơn một trái bóng tennis, không thể đậu trên mặt biển, thì việc bay một chặng dài như trên quả là "kỳ tích".
Bên cạnh việc khẳng định đây là một trong số những chặng bay qua biển dài nhất từng ghi nhận được đối với loài họa mi, các nhà khoa học còn tin rằng đây cũng là một trong số những chặng di cư "phi thường nhất" của loài chim trên khắp hành tinh này.