Kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội: Các cơ quan tư pháp đưa ra kiến nghị

Xuân Lan| 04/12/2017 15:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 4/12, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ năm HĐND thành phố, Chánh án TAND thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính và Viện trưởng VKSND thành phố Nguyễn Duy Giảng đã có báo kết quả công tác năm 2017, đồng thời đưa ra các kiến nghị với HĐND TP.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp TAND giải quyết án

Báo cáo về kết quả công tác năm 2017, Chánh án TAND thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết, từ ngày 1/10/2016 đến 30/9/2017, TAND hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý 30.777 vụ, tăng 2.029 vụ; đã giải quyết 27.755 vụ, đạt tỷ lệ 90,1%, tăng 79 vụ so với năm 2016. Số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.

Kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội: Các cơ quan tư pháp đưa ra kiến nghị

Chánh án TAND TP Nguyễn Hữu Chính báo cáo tại kỳ họp

Số vụ án bị hủy, sửa giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, tổng số án bị hủy là 193 vụ (chiếm 0,69% số án đã giải quyết, giảm 29 vụ so với năm 2016). Tổng số án sửa là 657 vụ (chiếm 2,36% số án đã giải quyết, giảm 161 vụ so với năm 2016).

Nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, đặc biệt phức tạp, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình ủng hộ. Điển hình như vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm phạm tội tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin; vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; vụ Đặng Minh Châu và đồng phạm phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy" với gần 1.200 bánh heroin; vụ án Nguyễn Tiến Dũng và đồng phạm phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy".

TAND hai cấp thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, VKSND các cấp tổ chức xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kết án oan người không phạm tội và bỏ lọt tội phạm; không để án quá hạn, tạm đình chỉ do lỗi chủ quan của thẩm phán; hình phạt của Tòa án áp dụng đối với các bị cáo bảo đảm nghiêm minh, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Việc cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ có căn cứ, đúng quy định của pháp luật; việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm so với cùng kỳ năm 2016. Việc trả hồ sơ bảo đảm đúng quy định của pháp luật, được chấp nhận với tỷ lệ 79,2%.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong năm 2017, TAND hai cấp thành phố Hà Nội vẫn còn một số án bị hủy, cải sửa, để quá thời hạn xét xử. Án tạm đình chỉ giảm nhưng số án quá hạn tăng so với năm 2016. Cụ thể, số án tạm đình chỉ còn 899 vụ, án quá hạn còn 157 vụ (tăng 72 vụ). Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trên do số lượng các loại vụ án Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng cao so với năm 2016 (tăng 2.029 vụ) với nhiều vụ án lớn, phức tạp, trong khi biên chế Thẩm phán của một số đơn vị chưa đủ để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Về chủ quan, trình độ thẩm phán còn chưa đồng đều, chưa tích cực nghiên cứu tác động đến hồ sơ để sớm đưa vụ án ra giải quyết.

Một số khó khăn, vướng mắc cũng được nêu ra là một số quy định của pháp luật vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể như việc ghi âm, ghi hình tại cơ quan điều tra theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự và một số quy định của Bộ Luật hình sự có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Vấn đề xác định chi phí phá sản, việc lập tài khoản liên quan đến chi phí phá sản trong việc giải quyết các vụ án kinh tế... dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Tòa án đã thụ lý một số vụ án nhưng phải tạm đình chỉ nên để quá hạn giải quyết.

Số lượng các loại vụ việc TAND hai cấp thành phố thụ lý, giải quyết tăng qua các năm nhưng số lượng biên chế không được tăng, đặc biệt là biên chế Thẩm phán. Biên chế được TANDTC phân bổ chưa xem xét đến tính đặc thù là cơ quan xét xử trên địa bàn Thủ đô, có nhiều vụ án phức tạp, nhạy cảm, được dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm.

Các bước trong quy trình bổ nhiệm và bổ nhiệm lại Thẩm phán còn chậm, dẫn đến tình trạng thiếu thẩm phán trong xét xử, giải quyết vụ án, đặc biệt là các loại án dân sự, hành chính.

Trên cơ sở đó, Chánh án TAND TP nêu một số kiến nghị, đề xuất với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Đặc biệt, để giải quyết tình trạng án hành chính còn tồn đọng nhiều, tỷ lệ giải quyết thấp, TAND thành phố Hà Nội cử các Thẩm phán trực tiếp đến trụ sở UBND các quận, huyện để thẩm tra, thu thập chứng cứ, tiến hành đối thoại. Do đó, TAND thành phố đề nghị HĐND thành phố chỉ đạo các cơ quan tích cực phối hợp để giải quyết loại án này.

Tăng cường truyên truyền, quản lý làm giảm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em 

Báo cáo về kết quả công tác năm 2017 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ năm HĐND thành phố Hà Nội khoá XV, Viện trưởng Viện KSND thành phố Nguyễn Duy Giảng cho biết, trên địa bàn thành phố còn xảy ra nhiều vụ khiếu kiện phức tạp, đông người, vượt cấp liên quan đến đơn thư tố cáo về đất đai, trật tự xây dựng.

Kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội: Các cơ quan tư pháp đưa ra kiến nghị

Viện trưởng Viện KSND thành phố Nguyễn Duy Giảng báo cáo tại kỳ họp

Về tội phạm, cơ quan điều tra (CQĐT) đã khởi tố 6.495 vụ, VKS phê chuẩn quyết định khởi tố 9.906 bị can (tăng 124 vụ và 201 bị can so với cùng kỳ năm 2016). Trong số này, đã khởi tố 20 vụ với 89 bị can liên quan đến tội phạm tham nhũng và chức vụ (giảm 1 vụ nhưng tăng 30 bị can). Đáng lưu ý, có 14 vụ về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, chiếm 70% tổng số án tham nhũng, chức vụ. Loại tội phạm này chủ yếu xảy ra ở cấp xã với đối tượng phạm tội thường là cán bộ UBND xã, trưởng thôn... có hành vi bán đất, giao đất trái thẩm quyền.

Số vụ cháy, nổ giảm so với năm 2016 (31 vụ) nhưng số vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng. VKS tham gia khám nghiệm hiện trường 32 vụ cháy, nổ, 15 người chết, thiệt hại khoảng trên 92 tỷ đồng, trong đó đáng lưu ý là vụ cháy xảy ra tại xưởng sản xuất bánh kẹo tại thôn Thượng Thụy, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức khiến 8 người thiệt mạng. CQĐT đã khởi tố 1 vụ vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Trong nhóm tội phạm về trật tự xã hội, đáng lưu ý là giao cấu trẻ em tăng cao so với năm 2016: Số vụ dâm ô trẻ em bị khởi tố là 30 vụ, tăng 20 vụ; tội giao cấu với trẻ em khởi tố 28 vụ, tăng 10 vụ. Đặc biệt, thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện một số vụ hành hung người nhà tại bệnh viện; người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, cán bộ y tế như một số vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Thể thao Việt Nam... gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trên địa bàn thành phố cũng xảy ra 5 vụ với 18 người dân do uống rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc dẫn đến đau đầu, mờ mắt và nôn ra máu phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc Methanol. Cơ quan CSĐT CATP đã quyết định khởi tố vụ án về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để điều tra làm rõ.

Viện trưởng Viện KSND thành phố Hà Nội khẳng định đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trong năm. Một số chỉ tiêu quan trọng đã vượt so với yêu cầu của ngành như tỷ lệ yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra đều đạt 100%; tỷ lệ bắt giữ chuyển khởi tố hình sự đạt 99,3%; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,97%, truy tố bị can đúng tội phạm đạt 99,98% bị can truy tố lần đầu...

Đặc biệt, không có trường hợp nào cơ quan điều tra, VKS hai cấp phải đình chỉ điều tra vì không có tội phạm. Chất lượng kháng nghị tiếp tục được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, năm 2017, Viện trưởng Viện KSND thành phố cũng nêu rõ một số chỉ tiêu chưa hoàn thành như tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến; công tác chuyển bản án, quyết định sơ thẩm của VKS cấp dưới lên VKS cấp trên còn chậm. Một số vụ án hình sự, dân sự bị hủy để điều tra, xét xử lại...

Ông Nguyễn Duy Giảng khẳng định, những tồn tại, hạn chế này sẽ được khắc phục trong năm 2018.

Trong những kiến nghị, đề xuất được nêu ra, Viện trưởng Viện KSND TP nhấn mạnh, do tình hình tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em gia tăng, đáng báo động nên đề nghị HĐND TP các cấp yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chủ động đề ra các biện pháp giám sát, phòng ngừa, nhất là công tác quản lý nhà nghỉ, khách sạn, trong trường học, tại cộng đồng dân cư và gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội: Các cơ quan tư pháp đưa ra kiến nghị