Khu chế xuất Tân Thuận,TP Hồ Chí Minh: Khu chế xuất thành công nhất nước

Nguyên Văn Khôi| 29/04/2014 10:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận ở TP Hồ Chí Minh là KCX đầu tiên của cả nước được cấp giấy phép đầu tư (ngày 24/9/1991) và đến nay, KCX Tân Thuận được Bộ KH-ĐT đánh giá là KCX thành công nhất trong số trên 130 KCN, KCX của cả nước.

Không những thế, KCX Tân Thuận còn được bình chọn là KCX thành công nhất ở châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với sự thành công to lớn trong việc thu hút đầu tư, KCX Tân Thuận đang hướng đến phát triển khu công nghệ cao, thu hút các ngành nghề có hàm lượng chất xám cao…

Một mẫu mực về thu hút đầu tư

Vào năm 1991, UBND TP Hồ Chí Minh quyết định thành lập Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) làm đối tác với Công ty Mậu dịch và phát triển Trung ương (Đài Loan) để hình thành Công ty liên doanh Tân Thuận. Một trong những ưu thế của KCX Tân Thuận, đó là vị trí địa lý và giao thông. KCX nằm trên địa bàn quận 7, thuộc vùng đất Nhà Bè xưa nay; trên diện tích 300ha, ba mặt (Đông, Bắc, Tây) giáp sông Sài Gòn, Tây Nam giáp Tỉnh lộ 15, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh chỉ 4km. Tân Thuận còn gần kề Cảng Bến Nghé, cách Cảng Sài Gòn chỉ 2km, cách sân bay quốc tế 13km. Bên cạnh vị trí thuận lợi, việc xây dựng cơ sở hạ tầng được chú trọng. Công ty liên doanh đã đầu tư 89 triệu USD để xây dựng 22km đường, nhà máy phát điện riêng, có trạm cấp nước; các vấn đề như xử lý nước thải, xử lý rác được đảm bảo trên toàn KCX.

Khu chế xuất Tân Thuận,TP Hồ Chí Minh: Khu chế xuất thành công nhất nước

 Sản xuất linh kiện công nghệ cao tại Công ty Nidec Tosok (KCX Tân Thuận)

Tuy vậy, theo ông Young Yun Ti, Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Tân Thuận: “Không thể xem nhẹ vị trí địa lý và công tác đầu tư hạ tầng tốt, nhưng điểm thu hút đầu tư mạnh mẽ ở KCX Tân Thuận chính là thủ tục hành chính đơn giản, môi trường đầu tư tốt”. Thật vậy, ngay từ khi thành lập, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban quản lý các KCX-KCN TP Hồ Chí Minh với Công ty liên doanh mà “dịch vụ một cửa” đã được thực hiện. Khi các nhà đầu tư đã nộp đủ hồ sơ xin giấy phép đầu tư, chỉ trong vòng 2 tuần lễ là được cấp giấy phép đầu tư. Mặt khác, KCX đã có đầy đủ các văn phòng chi nhánh của các tổ chức: Hải quan, thuế, ngân hàng, bưu chính - viễn thông, công an, bảo hiểm, vận tải… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giải quyết mọi thủ tục về sản xuất, kinh doanh tại chỗ một cách thông suốt.

Khu chế xuất Tân Thuận,TP Hồ Chí Minh: Khu chế xuất thành công nhất nước

Nhà đầu tư đầu tiên đến với KCX Tân Thuận là Công ty dệt sợi Liên Minh (Đài Loan), được cấp giấy phép đầu tư ngày 18/3/1993. Đến nay, KCX Tân Thuận đã có 121 xí nghiệp của các nhà đầu tư ở 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư, thu hút hàng tỷ USD nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho 54.000 lao động. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của KCX Tân Thuận đạt trên 2 tỷ USD. Ở KCX Tân Thuận, hiện các nhà đầu Đài Loan là nhiều nhất (75 DN), tiếp theo là Nhật Bản (61 DN), Hàn Quốc (8 DN), Hồng Kông (7 DN), Việt Nam (3 DN), Singapore (2 DN); các nước Đức, Úc, Malaysia và Brunei, mỗi nước có một doanh nghiệp. Tuy Nhật Bản có số lượng các nhà đầu tư ít hơn Đài Loan, thế nhưng tỷ lệ vốn đầu tư lại cao nhất: Nhật Bản chiếm 57,25%, Đài Loan chiếm 30,98%. Đặc biệt, do môi trường đầu tư ở KCX Tân Thuận không ngừng được cải tiến, họat động kinh doanh ngày càng phát triển nên những năm gần đây, đã có gần 100 doanh nghiệp tăng vốn đầu tư và mở rộng diện tích thuê đất. Công ty Nidec Tosok đã tăng vốn từ 1 triệu USD lên 86,05 triệu USD, diện tích đất thuê từ 2.500m2 đã tăng lên 5.64ha; Công ty Furukawa tăng vốn đầu tư từ 11 triệu USD lên 70 triệu USD, diện tích thuê đất từ 2ha lên 6,7ha…

Hướng đến thu hút các ngành công nghệ cao

Ông Young Yun Ti, Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Tân Thuận, cho biết: “KCX Tân Thuận đã dành phần đất có cảnh quan đẹp nhất, nằm cạnh sông Sài Gòn với diện tích 40ha để quy họach thành khu công nghệ phần mềm và kỹ thuật cao. Hiện nay, chúng tôi đang quy họach tổng thể. Ở đây sẽ thu hút các ngành sản xuất kỹ thuật cao, có giá trị gia tăng cao của các nước trên thế giới như: Các ngành sản xuất phần mềm, tin học, thông tin và sinh học”.

Khu chế xuất Tân Thuận,TP Hồ Chí Minh: Khu chế xuất thành công nhất nước

Đi theo hướng đó, từ năm 2003, KCX Tân Thuận đã chuyển cơ cấu sản xuất từ các ngành thâm dụng lao động (dệt, da may, giày dép…) sang các ngành công nghệ hỗ trợ và công nghệ cao (linh kiện máy vi tính, linh kiện điện tử, con chip…). Hiện nay, KCX Tân Thuận đã có chủ trương không cấp giấy phép đầu tư cho các ngành: Nhuộm, dệt may, da giày, đồ gỗ. Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Thứ trưởng Bộ Kế họach - Đầu tư, cho biết: Trên cả nước có 11 doanh nghiệp công nghệ cao thì đã có 3 doanh nghiệp công nghệ cao nằm trong KCX Tân Thuận. Đó là các công ty: Furukawa (sản xuất các linh kiện ôtô), Nidec Tosok (sản xuất mô tơ chính xác nhỏ) và Renesas (ngành thiết kế bán dẫn). Điều này đã tạo cơ sở cho KCX Tân Thuận phát triển mạnh mẽ các ngành công nghệ cao trong thời gian tới. Từ đầu tư sản xuất là chính, KCX Tân Thuận đã chuyển dịch sang đầu tư dịch vụ cao cấp. Điều đó đã làm cho KCX Tân Thuận thành công trong thu hút đầu tư, luôn tiếp cận với xu hướng kinh tế mới, tiên tiến nhất của thế giới.

Khu chế xuất Tân Thuận,TP Hồ Chí Minh: Khu chế xuất thành công nhất nước

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết: KCX Tân Thuận ngày càng thu hút mạnh đầu tư. Trong năm 2013 vừa qua, cho đến tháng 10/2013 vẫn chưa thu hút được vốn đầu tư 50 triệu USD theo như kế hoạch năm 2013. Thế nhưng, chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm, thu hút vốn đầu tư vào đây đã tăng đột biến, cả năm 2013 đạt 160 triệu USD, vượt 3 lần mục tiêu đề ra. Ví dụ, Công ty TNHH Tosok tăng 95 triệu USD; Công ty TNHH Nidec Tosoc Akba tăng 10 triệu USD; Công ty TNHH Juki tăng 12 triệu USD. Đặc biệt, Công ty TNHH Pepperl Fuchs VN (100% vốn của Đức) chuyên sản xuất các thiết bị cảm ứng công nghệ cao tại KCX Tân Thuận. Công ty này vừa đăng ký tăng vốn thêm 10 triệu USD và xin thêm 9.000m2 đất để mở rộng nhà máy sản xuất vào ngày 7/4/2014. Ban đầu, công ty này dự kiến mở rộng nhà máy ở Singapore nhưng sau đó đã quyết định chọn lựa Việt Nam vì môi trường đầu tư ở đây đang được cải thiện và giá thuê đất, nhân công rẻ hơn Singapore.

Ông Masaharu Tsukada, Tổng giám đốc Công ty TNHH Maruko Keihoki VN (100% vốn Nhật Bản) - doanh nghiệp vừa nhận giấy phép đầu tư 2 triệu USD ở KCX Tân Thuận, cho hay: “Về lâu dài, chúng tôi dự định đầu tư lớn vào Việt Nam, vì môi trường đầu tư đã được cải thiện và ổn định hơn so với các nước trong khu vực”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu chế xuất Tân Thuận,TP Hồ Chí Minh: Khu chế xuất thành công nhất nước