Yêu cầu đổi mới, hội nhập đang đòi hỏi nỗ lực lớn

Đỗ Huyền| 04/12/2014 21:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng của Tổng cục Thống kê cho thấy tình hình hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp đã có phần khởi sắc, song có đến hơn 60.340 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.

Nhiều nhân tố tích cực khách quan và chủ quan của năm 2014 có thể sẽ không được tiếp tục trong năm 2015, trong khi các yêu cầu về đổi mới, hội nhập đang đòi hỏi những nỗ lực rất lớn để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ nêu ra.

Môi trường kinh doanh đã được cải thiện

Theo phân tích tại Báo cáo, mặc dù nền kinh tế vẫn chưa thực sự thoát khỏi bối cảnh khó khăn nhưng xét trên khía cạnh quy mô vốn của các doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 11 tháng đã bắt đầu tăng hơn so với cùng kỳ năm 2013. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh.

Tính chung 11 tháng của năm, cả nước có 67.790 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 391.300 tỷ đồng, giảm 4,5% về số doanh nghiệp, song tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước đồng thời có 14.208 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, xu hướng “thanh lọc” doanh nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ từ năm 2013 đến nay, theo đó đã sàng lọc ra những doanh nghiệp duy trì và phát triển trên thị trường là những đơn vị thực sự kinh doanh có chất lượng, không chỉ linh hoạt để tồn tại qua giai đoạn khó khăn nhất mà còn tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh mới để mở rộng quy mô hoạt động.

Thống kê trong 11 tháng, cả nước vẫn có 60.340 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

“Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn khó khăn. Để sớm có sự phát triển ổn định hơn, bên cạnh yêu cầu phải giải quyết những hạn chế nội tại, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa từ những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ ngành,” Báo cáo chỉ ra.

Mối lo về nợ xấu, doanh nghiệp và việc làm

Ông Nguyễn Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam từng nói: Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang rất khó khăn. Trong giai đoạn vừa qua, những doanh nghiệp không có nền tảng phải ra đi, đó là tất yếu, còn những doanh nghiệp có nền tảng tốt sẽ tồn tại. Hơn nữa, thị trường Asean sẽ thống nhất chỉ trong vòng một năm nữa. Doanh nghiệp chúng ta không vươn lên thì sẽ lãnh đủ, không thể cạnh tranh nổi. Kết cục là chúng ta khó mà đuổi kịp thiên hạ.

Bên  cạnh các tín hiệu lành mạnh, một số lĩnh vực cũng còn hạn chế đang nổi lên cần tập trung chỉ đạo quyết liệt. Báo cáo của WB tại Việt Nam nêu rõ: “Doanh nghiệp tư nhân trong nước dường như chịu tác động bởi các yếu tố: tiếp cận nguồn vốn hạn chế, nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp và sân chơi bất bình đẳng so với khu vực doanh nghiệp nhà nước”. Báo cáo nhấn mạnh: "Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài dường như không phải chịu quá nhiều áp lực của hệ thống quản lý trong nước, và hiện vẫn là nguồn tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Khu vực này đóng góp gần 20% GDP, 22% tổng vốn đầu tư, 2/3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và tạo ra 1/4 việc làm cho khu vực doanh nghiệp chính thức. Ngành chế tạo, chế biến của Việt Nam vẫn là ngành chính thu hút nhà đầu tư nước ngoài: hiện ngành này chiếm khoảng 70% tổng số vốn FDI đăng ký”.

Yêu cầu đổi mới, hội nhập đang đòi hỏi nỗ lực lớn

Xử lý thanh long để xuất khẩu

GS.TS Nguyễn Quang Thái - Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Thành viên Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, nhận định: Một trong những thách thức to lớn là, hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa của kinh tế nội địa chưa làm tốt vai trò hỗ trợ, cầu nối với doanh nghiệp FDI, vươn ra thế giới, chưa chiếm tỷ trọng vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ thị trường nội địa, đang đòi hỏi được xử lý ráo riết từ nhiều phía, đáp ứng nhu cầu cao của hội nhập nhanh và cạnh tranh gay gắt.

Một vấn đề khác cũng liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô, đó là việc làm và việc làm có năng suất cao trong nền kinh tế chuyển đổi. Năm qua, số người được tạo việc làm mới còn yếu, dù số người được đi lao động nước ngoài vẫn cao, đạt khoảng 100.000 lao động/năm. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh, nhưng chưa đủ sức tạo ra thị trường lao động có năng suất cao ở đô thị, vùng ven đô và lao động phi nông nghiệp ở nông thôn, trong khi lao động thuần nông vẫn có mức năng suất lao động thấp, chiếm tới 48% lực lượng lao động, đang làm cho năng suất lao động toàn xã hội bị thấp xa so với các nước trong vùng.

Nhiều nhân tố tích cực của 2014 có thể không có trong năm mới

Theo GS.TS Nguyễn Quang Thái, cùng với nhận định rõ những hạn chế, tồn tại để tập trung khắc phục, cũng cần thấy rằng, nhiều nhân tố tích cực khách quan và chủ quan của năm 2014 có thể sẽ không được tiếp tục trong năm 2015 (như thời tiết thuận hòa), trong khi các yêu cầu về đổi mới, hội nhập đang đòi hỏi những nỗ lực rất lớn để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ nêu ra trong lĩnh vực kinh tế (chưa nói tới các vấn đề xã hội, môi trường, thể chế). Có nhiều nhân tố khách quan về xu hướng giảm giá năng lượng và vật tư phi dầu cũng cần được phân tích để có những đối sách căn cơ hơn, tạo ra năng suất mới, hiệu quả tốt hơn.

Các vấn đề cải cách thể chế sẽ gặp khó khăn thêm khi phải vượt qua các rào cản về tâm lý và cả quan điểm phát triển (các cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh chạm dần vào các vấn đề khó của hệ thống pháp luật, khả năng thực thi của bộ máy công chức và việc phòng chống tham nhũng, quan liêu…).

Với việc Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, phù hợp với các tư duy mới của kinh tế thị trường toàn cầu hóa, đang mở ra một không gian rộng lớn cho cải cách và phát triển, kết hợp tăng trưởng và giảm nghèo bền vững, tạo cơ hội cho mọi người. Khi đó, Chính phủ cũng cần xử lý các vấn đề rất cụ thể như việc giao đất lâm trường cho các hộ gia đình người địa phương và các buôn làng, nhất là hàng 300.000 hộ còn chưa có đất ở, đất canh tác, tạo nên cơ chế giữ đất, giữ rừng, từ đó tăng thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống ấm no cho đồng bào, giữ vững an ninh, an toàn cho mọi vùng đất của Tổ quốc.

Bên cạnh nhiệm vụ Quốc hội giao về tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng cần thực hiện cơ bản xong trong năm 2015, nhưng cũng cần triển khai toàn diện hơn các nhiệm vụ của toàn bộ quá trình tái cơ cấu kinh tế trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế như nông nghiệp, công thương,… và các địa phương và vùng lãnh thổ, cũng như toàn nền kinh tế.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yêu cầu đổi mới, hội nhập đang đòi hỏi nỗ lực lớn