Xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam: Nâng cao uy tín trên bản đồ kinh tế thế giới

Đỗ Huyền| 12/11/2014 10:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bên cạnh việc các hãng đánh giá tín nhiệm nâng mức đánh giá kinh tế Việt Nam gần đây, một số chuyên gia quốc tế cũng đã nêu những nhận xét tích cực về công tác điều hành và những động thái mạnh trong cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.

Liên tiếp được nâng mức xếp hạng

Chỉ hơn 3 tháng sau sự kiện nâng xếp hạng tín nhiệm của Moody’s, mới đây, tổ chức xếp hạng Fitch cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức B+ lên BB-, với triển vọng ổn định.

Bình luận về sự kiện này trên Thời báo Ngân hàng, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, về chính sách tiền tệ, xu hướng trong những năm vừa qua Việt Nam đã có được mức lạm phát thấp. Bên cạnh đó, về tăng trưởng tín dụng, nếu như giai đoạn 2000 - 2010, tăng trưởng tín dụng trung bình ở mức cao, tỷ lệ tín dụng trên GDP cũng thường xuyên vượt trên 100% và điều này rõ ràng không tốt cho nền kinh tế, còn hiện nay, với tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải. Trong khi đó, tỷ giá tiếp tục được duy trì ổn định; tài khoản vãng lai cũng có những cải thiện và đã giúp tăng cường dự trữ ngoại hối.

Vì vậy, nếu nhìn vào tất cả những xu hướng đó thì sẽ thấy đó là những cơ sở tốt đảm bảo cho lần thăng hạng vừa qua.

Phân tích cụ thể hơn, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, cho rằng, hai lý do chính để Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam lần này là sự cải thiện về kinh tế vĩ mô và cải thiện trong khu vực đối ngoại.

Xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam: Nâng cao uy tín trên bản đồ kinh tế thế giới

Thời gian qua xuất khẩu tăng cao, góp phần cải thiện cán cân thương mại

Từ góc độ hệ thống ngân hàng, những đóng góp thể hiện ở một số điểm chính gồm: Thứ nhất, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của NHNN đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 7% liên tục trong hai năm qua. Mặt bằng lãi suất liên tục giảm, thị trường tiền tệ ổn định, tỷ giá ổn định, niềm tin vào đồng Việt Nam được nâng cao.

Thứ hai, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian qua đã hướng dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có xuất khẩu. Qua đó, đã giúp xuất khẩu tăng trưởng cao, góp phần cải thiện cán cân thương mại.

Theo bà Hồng, việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam của Fitch hay trước đó là Moody’s cũng cho thấy sự ổn định trong khu vực tài chính ngân hàng, góp phần giúp nhà đầu tư có nhìn nhận tích cực hơn về Việt Nam, nâng cao uy tín của quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới.

Thực tế, ngay sau quyết định nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam của Fitch ngày 7/11 vừa qua, Bộ Tài chính cho biết đã phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với tổng khối lượng 1 tỷ USD, lãi suất chỉ 4,8%/năm, trong khi mức lãi suất dự kiến ban đầu khi chào bán là 5,125%/năm, qua đó giúp tiết kiệm được khoảng 32,5 triệu USD tiền thanh toán lãi trong 10 năm.

Các chuyên gia quốc tế đánh giá

Chuyên gia Pavel Vinogradov, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới đa cực (Nga)  đánh giá về kinh tế Việt Nam năm 2014 trong bài viết: “Việt Nam bảo vệ nền kinh tế khỏi khủng hoảng như thế nào?" cho biết, mặc dù năm 2014 vẫn chưa kết thúc, song giới chuyên gia kinh tế đã bắt đầu tiến hành đánh giá kết quả nền kinh tế thế giới cũng như các quốc gia trong năm 2014, một năm được coi là khủng hoảng. 

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam với số dân 90 triệu người đang nằm trong danh sách 10 quốc gia phát triển năng động nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây liên tục đạt trung bình 7-8%, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Hiện nay, các đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Liên minh châu Âu. Nhiều nhà khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ cao đã và đang tích cực đưa sản xuất đến Việt Nam vì giá nhân công cạnh tranh và môi trường chính trị ổn định.

Mới đây, Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore đánh giá Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 về mức độ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Mỹ. Cơ quan này cho rằng môi trường kinh doanh ở Việt Nam được cải thiện rõ rệt sau từng năm, sau khi Việt Nam tiến hành cải cách các lĩnh vực thuế, pháp luật hải quan, thu hút đầu tư nước ngoài và bảo hiểm. Các chuyên gia đánh giá chính những yếu tố này đã khiến các nhà đầu tư quốc tế chú ý.

Trả lời phỏng vấn phóng viên, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách toàn cầu (Chief Global Economist) Bill Witherell thuộc Quỹ đầu tư Cumberland Advisors (Mỹ) cho biết: "Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam rất tốt. Tới nay, mục tiêu tăng trưởng 5,7% của năm 2014 đã trong tầm tay."

Chuyên gia này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam những năm tới sẽ dao động từ 6 - 7% nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng, giúp thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy vậy, chuyên gia Bill Witherell cho rằng còn một số việc cần phải làm để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư. Theo ông, tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước cần phải được tăng tốc, các ngân hàng thương mại quốc doanh yếu kém cần phải được tăng vốn theo tiêu chuẩn quốc tế. Ông Bill cho rằng giới đầu tư luôn chào đón mọi động thái nhằm tăng cường tính pháp trị của Việt Nam.

Cũng theo ông Bill, các nhà đầu tư Mỹ hiện đang quan tâm đến việc hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một bên tham gia. Tuy nhiên, hiện còn một số vướng mắc về tiêu chuẩn lao động và công đoàn mà phía Mỹ đòi hỏi từ phía Việt Nam đang cản trở tiến trình đàm phán.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam: Nâng cao uy tín trên bản đồ kinh tế thế giới