Hết 3 tháng đầu năm, bước sang quý 2/2014, bức tranh kinh tế Việt Nam có dấu hiệu hồi phục rõ rệt do ảnh hưởng tích cực từ nền kinh tế thế giới trên cả lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế...
Kinh tế năm 2014 sẽ phục hồi
Theo các chuyên gia kinh tế của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, năm 2013, kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực, như: Kinh tế tiếp tục phục hồi và ổn định hơn, lạm phát kiềm chế, cán cân thương mại cơ bản là cân bằng, cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đang đi dần vào cuộc sống. Các yếu tố đã đem lại niềm tin về sự tăng trưởng kinh tế trong năm 2014, rõ nhất là trong năm 2013, khối các doanh nghiệp sản xuất đã có dấu hiệu hồi phục, đặc biệt, sản xuất công nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) sau khi giảm mạnh vào tháng 2/2013 đã tăng dần qua các quý sau đó. Tính chung 11 tháng năm 2013, IPP tăng 5,6% (so tương ứng 5,1% cùng kỳ năm 2012).
Lượng hàng tồn kho trong năm 2013 đã giảm. Mức tăng chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm mạnh, từ 21,5% tại thời điểm tháng 1/2013 xuống còn 10,2% tại thời điểm 1/12/2013. Khu vực dịch vụ giữ mức tăng trưởng tốt. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ các quý trong năm 2013 luôn cao hơn mức tương ứng năm 2012.
Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Nhóm các yếu tố tác động tích cực đến tăng trưởng GDP như: FDI, xuất nhập khẩu… đều tăng trưởng. Nguồn vốn FDI tăng vượt kế hoạch và cải thiện hơn về cơ cấu. Đến hết năm 2013, cả nước thu hút 21,628 tỷ USD tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, với 605 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 16,636 tỷ USD, chiếm 76,9% tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm. Xuất khẩu tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá ổn định, nhập siêu ở mức thấp. Trong năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 263,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu. Đặc biệt, nhờ sự điều hành quyết liệt hơn từ Chính phủ, niềm tin kinh doanh đã và đang được củng cố, dòng vốn được khai thông sẽ tháo gỡ dần khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tốc độ hồi phục sản xuất.
Chúng ta cũng đang mong chờ những vấn đề về hội nhập quốc tế: Việc ký kết đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu; tăng tốc cho hội nhập khu vực kinh tế ASEAN… được hy vọng sẽ tạo ra những xung lực mới.
Dự báo năm 2014, các cơ chế, chính sách sẽ phát huy được hiệu quả hơn do nhiều doanh nghiệp đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất. Việc Chính phủ kiên định thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2014 sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tăng trưởng trở lại. Từ các yếu tố tích cực trên, chắc chắn, kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ được phục hồi rõ rệt.
Cần nỗ lực nhiều hơn nữa
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn không ít thách thức và khó khăn ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Rõ nhất là nền kinh tế sẽ chịu áp lực từ kinh tế thế giới cũng như những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng khá hơn trong 2014 - 2015 nhưng với mức tăng thấp, đồng thời vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức khi các nước mới nổi và đang phát triển chưa thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất, khu vực Eurozone đang phải đối mặt với tình trạng đình trệ trong khi chính sách tiền tệ nới lỏng có thể gây ra lạm phát hoặc giảm phát tại một số nước và khu vực.
Ở trong nước, nền kinh tế có bước hồi phục nhưng chưa vững chắc. Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo, một số rủi ro chính ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian tới như: Dự trữ ngoại tệ thấp; cầu của khu vực kinh tế tư nhân còn yếu, tiến độ tái cơ cấu kinh tế chậm hơn mong đợi….
Để tạo bước đi vững chắc cho kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm khó khăn từ thủ tục đầu tư, đến triển khai dự án, giải phóng mặt bằng, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa.
Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Bên cạnh đó, cần ban hành các giải pháp hiệu quả hơn nhằm giải quyết hàng tồn kho nói chung, trong đó ưu tiên số 1 là tồn kho bất động sản; giải quyết nhanh và hiệu quả hơn vấn đề nợ xấu, hoàn thành cơ bản việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, khơi thông dòng vốn tín dụng cho doanh nghiệp và đẩy mạnh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đẩy mạnh các chương trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: Ngay trong năm 2014 và những năm tiếp theo, việc cải cách thể chế, quan trọng nhất là tạo ra khung khổ pháp lý cho lĩnh vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác ngoài Nhà nước tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công... Ngoài ra, Nhà nước phải tiếp tục tạo ra những khung pháp lý mới để doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận sòng phẳng các nguồn tài nguyên như DNNN.
Cùng chung quan điểm này, GS.TS. Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Trong ba đột phá chiến lược hiện nay, cần coi đột phá về cải cách thể chế và hành chính là một trong những trọng tâm vì vấn đề này không tốn nhiều nguồn vốn vật chất, chủ yếu là vốn “con người”. Đột phá này không chỉ dừng ở khái niệm tháo gỡ mà đặt ra triết lý cao hơn, là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; phải tạo dựng các thể chế để khơi thông được các nguồn lực, giải phóng mọi lực lượng sản xuất để phát triển. Việc coi cải cách thể thế là trọng tâm trong giai đoạn hiện nay không chỉ có tác động đối với bản thân sự đột phá đó mà còn lan tỏa tới các đột phá khác cũng như tới cả nền kinh tế.
“Chúng ta phải triệt để tăng cường cải cách hành chính, tạo động lực nhưng phải có áp lực trách nhiệm đối với các cơ quan thực thi chính sách, giao việc cụ thể, rõ ràng, xác định rõ người chịu trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Từ đó sẽ tạo được đồng thuận và niềm tin. Bởi lẽ, một trong những điều cần nhất hiện nay là niềm tin của người dân và doanh nghiệp…”, GS.TS. Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng từ nền kinh tế trong nước, sau quý I/2014, các chuyên gia dự báo kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi kinh tế thế giới dự báo có sự phục hồi ổn định. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2014 của thế giới sẽ đạt khoảng 3,5 - 3,6%, cao hơn so với mức 2,9% của năm 2013.