Những kết quả trong cả giai đoạn 2011-2015 vừa qua đã tạo nền tảng cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, hướng tới tăng trưởng kinh tế cao hơn, bền vững hơn.
Đón bắt thời cơ mới
Trong thời kỳ 2011-2015, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển trong một bối cảnh khá đặc biệt. Kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, thăng trầm khó đoán định. Nhiều diễn biến tác động trực tiếp tới Việt Nam như giá dầu giảm sâu. Ở trong nước, mô hình tăng trưởng trước đây bộc lộ nhiều vấn đề cần giải quyết. Cộng thêm với những tác động từ tình hình thế giới, giai đoạn 2011-2015 bắt đầu khi nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô trở thành một thách thức. Trong điều kiện đó, cả nước đã đồng sức, đồng lòng, ra sức khắc phục các yếu kém chủ quan, chủ động vươn lên trong khó khăn, thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được chuyển biến tích cực đáng khích lệ.
Kinh tế sau một thời gian giảm tốc độ tăng trưởng đã từng bước khôi phục trong 3 năm qua. Năm 2015 đánh dấu bước phát triển mới: Kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, khởi sắc rõ nét với sự phát triển nhanh trở lại của công nghiệp. Mức tăng trưởng bình quân 5 năm cao hơn mức chung của khu vực. Năng lực xuất khẩu mấy năm nay đã tăng mạnh 9-10% và hơn thế trong khi thương mại thế giới chỉ tăng 3-5%.
Kinh tế Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng
Tăng trưởng kinh tế đã gắn kết với giảm nghèo và công bằng xã hội. Theo chuẩn nghèo mới ngang với chuẩn quốc tế, tỉ lệ nghèo nói chung đã giảm từ 20,7% năm 2010 xuống còn 13,5% năm 2014, hay nói cách khác, trong vòng 5 năm đã có trên 6 triệu người thoát nghèo.
Trên lĩnh vực thể chế kinh tế, Hiến pháp 2013 và một loạt các luật quan trọng khác đã được thông qua, trong đó có thể kể đến Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phá sản, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp… Những luật này ra đời đã góp phần củng cố bộ khung pháp lý vững chắc, giúp nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng vận hành tốt hơn, thích ứng với tiến trình hội nhập quốc tế. Thách thức lúc này là thực hiện các luật đã ban hành một cách triệt để, đưa những quy định tiến bộ trong Hiến pháp 2013 vào cuộc sống.
Việc đàm phán, gia nhập các hiệp định FTA kiểu mới mang lại hứa hẹn mới trong phát triển kinh tế đất nước, góp phần vượt nhanh “bẫy thu nhập trung bình thấp”. Đón bắt thời cơ mới, Việt Nam đã chủ động thương lượng và ký kết các FTA với 55 nước, trong đó có cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và 15 nước G20. Các FTA đã hoàn tất ký kết với ASEAN, EU, Liên minh Kinh tế Á-Âu, TPP hay với Hàn Quốc mang lại cơ hội mới cho phát triển.
Đồng thời, những thách thức mới về chất lượng tăng trưởng sẽ là một sức ép tích cực để Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ hơn, biến nguy cơ thành thời cơ mới. Các kết quả mô phỏng cho thấy trong vòng 20 năm tới TPP sẽ đóng góp thêm 8% GDP, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% năng lực sản xuất của Việt Nam. Đó là chưa kể tới các tác động lan tỏa và thúc đẩy lẫn nhau. Mặc dù sẽ có nhiều thách thức phải vượt qua, nhưng tác động chung của TPP và các FTA khác đối với Việt Nam là tích cực.
Ánh sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế châu Á
Trong bản báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam năm 2015 của Ngân hàng ANZ nêu: Trong năm 2016 – 2017, xét nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại, Mỹ cũng tăng trưởng chậm hơn so với mong đợi. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là 1 trong 3 quốc gia Châu Á hứa hẹn về tăng trưởng, bên cạnh Ấn Độ và Philippines.
Ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Ngân hàng ANZ nhận định: Kinh tế Việt Nam là ánh sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm của hầu hết các nền kinh tế mới nổi. Nhìn vào Việt Nam chúng ta phải tự hào về thành tích của Việt Nam so với các nền kinh tế Châu Á khác, kể cả xuất khẩu hay nhập khẩu đều có giá trị đáng kể. Về thị trường tiền tệ, đồng Việt Nam vẫn ổn định trong thời gian qua trong khi đồng Baht của Thái Lan, đồng Ringit của Malaysia hay tiền của Indonesia bị yếu đi đáng kể do ảnh hưởng của suy thoái thương mại.
Việt Nam được xem là nước đa dạng hóa về các ngành hàng xuất khẩu rất nhanh chóng, từ các mặt hàng truyền thống như dệt may, dầu thô, thủy hải sản là chủ lực; hiện kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại di động, máy tính… các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn và hàm lượng công nghệ cao hơn. Tốc độ đa dạng hóa nhanh chóng góp phần củng cố sức bật, sức bền của kinh tế Việt Nam, giúp chống lại các cú sốc kinh tế trong giai đoạn hiện nay” - Ông Glenn nhận định.
ANZ dự báo tăng trưởng GDP lên 6,8% cho năm 2015 và 6,9% cho năm 2016. GDP năm 2017 của Việt Nam được dự báo có thể tăng ở mức 7%, thậm chí 7,5%, và có thể cao hơn tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc 1% trong năm này.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, thời kỳ phát triển mới của đất nước đã mở ra, ở thời điểm các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm 17 nhóm chỉ tiêu và 169 tiêu chí cụ thể cho giai đoạn 2016 – 2030 đã được các nước thống nhất tại Hội nghị các nguyên thủ quốc gia tại Liên Hợp Quốc năm 2015.
Để thực hiện các mục tiêu này, trong 5 năm tới cần đảm bảo các điều kiện: Tăng trưởng kinh tế phải cao hơn, bền vững hơn với mục tiêu tăng trưởng trung bình 5 năm tới là từ 6,5% đến 7%/năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Đây là mục tiêu không đơn giản khi kinh tế thế giới còn khó khăn, cơ hội từ các FTA kiểu mới đang mở ra, nhưng năng lực hấp thu cơ hội của nền kinh tế Việt Nam còn có hạn.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, phải phát triển văn hoá, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống người dân. Đó là điều kiện để đạt tới công bằng trong từng bước phát triển kinh tế. Bảo vệ và cải thiện môi trường, tăng cường khả năng chống chịu của đất nước trước những tác động mới của biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như các tác động tiêu cực do phát triển công nghiệp, đô thị hóa và các hoạt động thiếu kiểm soát của con người gây ra.
Bên cạnh đó, đảm môi trường hoà bình, ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây là các điều kiện rất cơ bản để có đời sống an lành cho người dân trong một Nhà nước pháp quyền.
Thời gian qua, những kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết 19 của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và của từng ngành, từng sản phẩm, dịch vụ. Điều này sẽ có tác động lâu dài tới nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Để thực hiện mục tiêu của năm 2016 và 5 năm tới, cần phát huy tối đa nội lực, tranh thủ thời cơ để phát triển bền vững, kiên trì thực hiện chính sách đổi mới cơ bản và toàn diện đất nước.