Xăng tăng giá đồng nghĩa với “túi” người dân giảm đi

08/07/2014 21:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ trong vòng hơn 10 ngày vừa qua ngưởi tiêu dùng đã phải đón nhận tới 2 lần tăng giá xăng, dầu từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Trước diễn biến thị trường này, phóng viên đã trao đổi và ghi nhận những phản ứng từ một số doanh nghiệp, hiệp hội vận tải.

Xăng tăng giá đồng nghĩa với “túi” người dân giảm đi

Giá cước dịch vụ vận tải, taxi đang rục rịch tăng khi xăng dầu được điều chỉnh giá

Theo ông Đặng Thế Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng, chỉ trong trong vòng hơn 10 ngày, giá xăng dầu tăng 2 lần đã gây thêm nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ. Từ 1/4/2014, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương siết chặt kiểm soát tải trọng xe. Sau một thời gian dài, các doanh nghiệp vận tải luôn chở vượt tải trọng, do đó không phản ánh đúng giá cước thực của vận tải đường bộ. Khi các doanh nghiệp buộc phải chở đúng tải trọng thiết kế đã làm giá cước vận tải đội cao, thậm chí của nhiều tuyến giá cước tăng tới 50-100% so với giá cước cũ. Ông Đặng Thế Phương đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải, qua đó kiểm soát được giá cước tránh ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Hoàng Quang Ngọc, Giám đốc Công ty vận tải Hoàng Hà (Hà Nội) khẳng định, việc tăng giá xăng dầu trong bất cứ thời điểm nào đều ảnh hưởng ngay vào cơ cấu giá thành đầu vào của các doanh nghiệp vận tải. Các doanh nghiệp vận tải với các chủ hàng hiện đang thực hiện cơ chế điều chỉnh giá cước linh hoạt khi giá nhiên liệu tăng hoặc giảm. Trong vòng hơn 10 ngày qua, xăng dầu 2 lần tăng giá nên doanh nghiệp cũng phải ngay lập tức điểu chỉnh giá cước vận tải cho phù hợp với chi phí đầu vào.

“Nói tóm lại, người ảnh hưởng cuối cùng vẫn là người tiêu dùng bởi doanh nghiệp chỉ hoạt động khi giá cước đủ bù chi phí và có lãi. Tôi khẳng định, khi giá xăng dầu tăng kéo theo một loạt các dịch vụ khác tăng lên, vì vậy chắc chắn túi người dân, trong đó có tôi sẽ giảm đi” – ông Hoàng Quang Ngọc chia sẻ.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội cho biết: các doanh nghiệp vận tải trong thời gian vừa qua đã quen với sự biến động các yếu tố đầu vào, trong đó có yếu tố tăng giá xăng dầu. Tất cả những biến động về giá cả thì người dân sẽ phải chịu dù đó là loại hình vận tải hành khách hay vận tải hàng hóa. Cụ thể, về vận tải tuyến cố định, hầu như giá cước ổn định mặc cho xăng dầu tăng giảm, lý do là mỗi lần thay đổi giá cước, doanh nghiệp rất mất thời gian về thủ tục. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh tuyến cố định thường tính toán rất kỹ các biến động để xin điều chỉnh giá cước. Thực tế các doanh nghiêp này khi xin điều chỉnh giá cước tối thiểu thường điểu chỉnh khoảng 7% trở lên để tính đủ chi phí khi có biến động.

Theo ông Bùi Danh Liên, khi giá xăng dầu tăng lên thì khối taxi sẽ rất khó khăn. Bởi đặc thù của loại hình kinh doanh này thường khoán cho lái xe, nếu doanh nghiệp không điều chỉnh giá cước thì người lái xe sẽ bị ảnh hưởng đến thu nhập ngay. Đối với loại xe tải và xe hợp đồng thì doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi có thể điều chỉnh giá cước được ngay theo hợp đồng.

Ông Bùi Danh Liên nhấn mạnh, các hội viên của hiệp hội chấp nhận sự tăng giảm của giá xăng dầu theo quy luật thị trường. Những doanh nghiệp vận tải cũng phải làm quen với điều này. Các doanh nghiệp phải xây dựng cho mình được kế hoạch để thích ứng được những đợt sóng tăng giảm xăng dầu.

Giám đốc Công ty vận tải Hoàn Cầu (Hải Phòng) Trần Quốc Hoàn, chia sẻ: doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như doanh nghiệp vận tải cũng phải vận hành theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp mua xăng dầu giá cao thì phải bán cao, vì vậy các doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp vận tải cần phải thích ứng với điều này. Tuy nhiên cũng cần có cơ chế giám sát các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để việc mua bán được công khai minh bạch.

Trong khi đó, giải thích về việc điều chỉnh giá xăng, dầu trong thời gian qua, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết, giá xăng dầu thế giới từ sau ngày điều hành 23/6/2014 nhìn chung có xu hướng tăng và đứng ở mức cao. Giá xăng dầu thành phẩm thế giới bình quân 30 ngày từ ngày 7/6/2014 đến 6/7/2014 cụ thể: xăng RON 92: 122,135 USD/thùng; dầu điêzen 0,05S: 121,967 USD/thùng; dầu hỏa: 121,729 USD/thùng, dầu mazút 180 CST 3,5S: 618,267 USD/tấn.

Cùng với sự gia tăng của giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới, thì giá cơ sở trong nước cũng bị tác động bởi yếu tố tăng tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh tăng 1% từ ngày 19/6/2014 tương ứng 246 đồng/USD.

“Từ 2 nguyên nhân cơ bản nêu trên, so sánh cho thấy giá cơ sở tính theo các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và Thông tư số 234/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính đang cao hơn giá bán lẻ hiện hành đối với tất cả các mặt hàng. Cụ thể: xăng RON 92 là 918 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S là 294 đồng/lít; dầu hỏa là 413 đồng/lít; dầu mazút 180 CST 3,5S là 437 đồng/kg” – ông Trần Ngọc Năm khẳng định.

Vào tối 7/7 vừa qua, Petrolimex tiếp tục thông báo tăng giá xăng dầu. Theo đó, xăng RON 95 và RON 92 tăng 410 đồng/lít, giá mới lần lượt là 26.140 đồng/lít và 25.640 đồng/lít. Dầu diêzen tăng 290 đồng/lít, dầu hỏa tăng 410 đồng/lít, dầu mazút tăng 130 đồng/kg. Trước đó, ngày 23/6, xăng RON 95 và RON 92 cũng tăng 330 đồng/lít, dầu hỏa tăng 170 đồng/lít và dầu mazút 270 đồng/kg.

Như vậy nếu tính cả hai lần tăng giá gần nhất thì từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 10 lần với 5 lần tăng và 5 lần giảm. Xăng là mặt hàng duy nhất từ đầu năm không giảm giá mà chỉ có tăng với tổng mức tăng 5 lần là 1.430 đồng. Dầu diêzen với tổng mức tăng từ đầu năm là 770 đồng và tổng mức giảm là 820 đồng; Dầu hỏa với tổng mức tăng từ đầu năm là 940 đồng và chỉ giảm với tổng mức 260 đồng. Dầu mazút, tổng mức tăng là 600 đồng và mức giảm từ đầu năm là 320 đồng.

Quang Toàn 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xăng tăng giá đồng nghĩa với “túi” người dân giảm đi