Ứng dụng CNTT trong chi trả BHXH: Nhiều tiện ích cho người dân

Lan Trần| 16/11/2017 16:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác chi trả chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) đang đánh giá cao vì linh hoạt về thời gian, địa điểm nhận tiền chế độ.

Từ tháng 5/2017, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thí điểm phương án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tiền mặt cho người hưởng. Qua 6 tháng triển khai thí điểm tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) và huyện Bình Giang (Hải Dương), đến thời điểm tháng 10/2017, bưu điện hai huyện đã chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH bằng tiền mặt cho 19.272 người  gồm 16.022 người ở huyện Thanh Trì và 3.705 người ở huyện Bình Giang; đã phát hành 19.086 thẻ chi trả (15.694 thẻ tại Hà Nội và 3.122 tại Hải Dương), đạt 99,03% tổng số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng bằng tiền mặt. Trong đó, số thẻ chi trả có ảnh là 14.971, đạt 77,68% tổng số người hưởng. Đã có 15.578 thẻ ở Thanh Trì có giao dịch với tổng số tiền là hơn 55 tỷ đồng; 2.851 thẻ ở Bình Giang có giao dịch với tổng số tiền hơn 10,7 tỷ đồng.

Ứng dụng CNTT trong chi trả BHXH: Nhiều tiện ích cho người dân

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác thực hiện thí điểm “Phương án ứng dụng CNTT trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH bằng tiền mặt cho người hưởng của cơ quan bưu điện”, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết qua 6 tháng thực hiện ứng dụng CNTT trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH đã giúp giảm thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến người hưởng; tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng trong việc lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; công tác chi trả, quản lý người hưởng của cơ quan bưu điện được chặt chẽ, đầy đủ, công tác thanh quyết toán giữa cơ quan bưu điện với cơ quan BHXH được kịp thời, thuận tiện thông qua cơ sở dữ liệu người hưởng được quản lý tập trung.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, việc thực hiện thí điểm phương án ứng dụng CNTT trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bằng tiền mặt là tiền đề để BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục phối hợp, nghiên cứu triển khai rộng rãi trên toàn quốc trong thời gian tới.

Thông tin về quá trình chuẩn bị và triển khai phương án ứng dụng CNTT trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, đại diện của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, hệ thống đã được đơn vị này nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng trong 02 năm, qua nhiều lần điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với yêu cầu rút ngắn thời gian chi trả, tạo thuận lợi cho người dân. Trong thời gian tới, Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống CNTT, đào tạo nhân lực phục vụ cho việc triển khai thực hiện trên toàn quốc. 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đánh giá việc tăng cường ứng dụng CNTT trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tiếp tục cho thấy bước tiến mạnh mẽ hơn trong việc hiện đại hóa các dịch vụ công, đem lại lợi ích thiết thực, bảo đảm quyền lợi BHXH cho người dân.

Theo Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, với kết quả thực hiện thí điểm bước đầu khá tích cực, với mong muốn đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Bưu điện phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục tồn tại, hạn chế để tiếp tục nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.

Cụ thể BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thống nhất lộ trình triển khai: Năm 2017, tiếp tục triển khai đối với 02 huyện đã thực hiện thí điểm; quý I/2018, thực hiện triển khai thí điểm mở rộng trên toàn địa bàn Hà Nội và Hải Dương; từ quý II/2018, thực hiện theo phương thức chi trả mà người hưởng đồng thuận nhất thông qua điều tra khảo sát. Nếu người hưởng đồng thuận cao với phương thức chi trả ứng dụng thẻ chi trả thì thực hiện mở rộng dần việc thực hiện phương án này đối với các địa phương có đủ điều kiện (có kết nối mạng internet, có sóng 3G, 4G tại các điểm chi trả...).

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng CNTT trong chi trả BHXH: Nhiều tiện ích cho người dân