Thị trường bán lẻ Doanh nghiệp trong nước còn nhiều cơ hội

15/11/2013 11:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiềm năng thị trường VN còn rất lớn, hệ thống bán lẻ của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được. Muốn vậy, các cơ quan nhà nước, Bộ, ngành Trung ương cần phối hợp hỗ trợ về cơ chế chính sách, sửa đổi phù hợp để các DN bán lẻ trong nước có thể vươn lên.

Tiềm năng lớn

 

Tại buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thị trường bán lẻ Việt Nam - Cơ hội và thách thức” ngày 13/11, ông Trần Nguyên Năm - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: Tính đến cuối năm 2012, thị trường Việt Nam có khoảng 700 siêu thị, các tập đoàn nước ngoài mới chỉ chiếm 40%; khoảng 125 trung tâm thương mại (TTTM), trong đó TTTM của tập đoàn nước ngoài chiếm 25%. Như vậy, tương quan lực lượng giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài tương đối cao. Tiềm năng thị trường Việt Nam còn rất lớn, ông Năm hy vọng từ nay đến 2015, với sự cố gắng của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, hệ thống bán lẻ của Việt Nam có thể cạnh tranh được. Muốn vậy, các cơ quan nhà nước, bộ, ngành trung ương cần phối hợp hỗ trợ về cơ chế chính sách, sửa đổi phù hợp để các doanh nghiệp bán lẻ trong nước có thể vươn lên..

 

Thị trường bán lẻ Doanh nghiệp trong nước còn nhiều cơ hội

 

Tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn

 

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam khẳng định, thị phần của doanh nghiệp nội đang rất mở rộng và có nhiều cơ hội phát triển. Vì thế, không nên quá bi quan với các nhận định thị trường bị mất vào tay doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.

 

Một số doanh nghiệp cũng thắc mắc, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được hưởng khá nhiều chính sách ưu đãi của Việt Nam nên có nhiều lợi thế để phát triển, trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp trong nước hầu như lại không được hỗ trợ hay tạo điều kiện gì. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đã chia sẻ: Trước năm 2003, thời kỳ đó kinh tế Việt Nam khó khăn nên trong chính sách có tính ưu đãi đầu tư của Tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, từ năm 2003 các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đều bình đẳng như nhau.

 

Tuy nhiên, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, mặc dù không có chính sách cụ thể ưu đãi các doanh nghiệp bán lẻ ngoại nhưng ở một số địa phương các doanh nghiệp này vẫn được ưu ái. Đơn cử như  các doanh nghiệp nội phải chờ đợi rất lâu để xin mặt bằng ở tỉnh nhưng không được giải quyết mà vị trí đó đã “rơi” vào tay doanh nghiệp ngoại. Vấn đề này Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đã nhiều lần có ý kiến.

 

Tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp

 

Ông Trần Nguyên Năm cho biết: các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tiêu thụ hàng Việt. Qua theo dõi và tổng hợp, kết quả đưa hàng Việt về nông thôn đã thành công nhất định, thể hiện ở doanh thu, số lượng của doanh nghiệp tham gia chương trình này, thông qua hội chợ chuyên về hàng Việt.

 

Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt trong thời gian tới, nhiều ý kiến tham vấn nên thực hiện mô hình liên kết giữa người bán hàng và nhà sản xuất. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền (Hapro) khẳng định, mô hình liên kết trên là có tính tất yếu, tương hỗ rất mạnh giữa người sản xuất và bán hàng. Các doanh nghiệp phân phối đều phải đi theo con đường như vậy. Việc làm này hỗ trợ thương mại nội địa giữa địa phương và doanh nghiệp rất tốt.

 

Ông Trần Nguyên Năm khẳng định: đây là hướng đi đúng để có sự kết nối từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng và thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn đặt ra là phần lớn các cơ sở sản xuất và nuôi trồng của bà con nông dân có quy mô nhỏ, tự phát, manh mún, không đại trà và vấn đề quan trọng là quy trình sản xuất chưa tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu vốn... Trong khi chỉ còn 1 năm nữa là mở cửa hoàn toàn đối với lĩnh vực bán lẻ (năm 2015), các tập đoàn phân phối bán lẻ nước ngoài lại đang từng bước chinh phục và phát triển mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ Việt Nam thì thị phần của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước ngày càng bị thu hẹp... Vì vậy, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp phân phối bán lẻ mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy thị phần trong nước.

 

Bảo Nam

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bán lẻ Doanh nghiệp trong nước còn nhiều cơ hội