Xử lý nợ xấu: Cần “chuẩn hóa” mô hình công ty mua bán nợ

20/09/2012 22:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xử lý nợ xấu tốt sẽ giúp nền kinh tế thanh lọc cơ thể, các ngân hàng trở nên lành mạnh, tạo đà để kinh tế tăng trưởng bền vững - Đó là ý kiến của đa số đại biểu dự hội thảo “Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam” tổ chức ngày 19-9.

Tuy nhiên,để xử lý nợ xấu dứt điểm cần tìm một hình công ty mua bán nợ phù hợp với điều kiện thực tế.  

Lựa chọn mô hình  

Theo Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính Marketing Phạm Hữu Hồng Thái, hiện nay có nhiều loại mô hình công ty mua bán nợ uy tín: có thể là công ty nhà nước góp vốn hoặc công ty do tư nhân góp vốn. Tuy nhiên, công ty xử lý nợ nhà nước thông thường rất hiệu quả khi vấn đề nợ xấu mang tính hệ thống do nhiều thời điểm trên thị trường, các khoản nợ xấu không có người mua thì công ty này có thể là nơi tiêu thụ các khoản nợ xấu. Hơn nữa, việc Chính phủ mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng thông qua các công ty xử lý nợ nhà nước tạo ra cơ hội cho Chính phủ áp đặt các điều kiện giúp ngân hàng tái cấu trúc vấn đề tài chính và cơ cấu hoạt động của mình.     

Xử lý nợ xấu: Cần “chuẩn hóa” mô hình công ty mua bán nợ

Xử lý nợ xấu tốt sẽ giúp nền kinh tế thanh lọc cơ thể, các ngân hàng trở nên lành mạnh, tạo đà để kinh tế tăng trưởng bền vững

Tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng, các công ty xử lý nợ tư nhân thường linh hoạt trong quản lý hơn các công ty quốc doanh. Trường hợp, các đơn vị đó trực thuộc ngân hàng thì việc cơ cấu nợ cũng dễ dàng hơn do các đơn vị này đã có sẵn hồ sơ nợ. Tuy nhiên, nhiều đại biểu chỉ ra mặt trái khi thành lập các công ty xử lý nợ tư nhân (đặc biệt nếu nó là công ty con của ngân hàng). Cụ thể như các ngân hàng “mẹ” có thể sử dụng công ty đó để che đậy vấn đề về bán nợ xấu bằng cách chuyển hết nợ sang công ty xử lý nợ của mình. Việc mua lại nợ xấu bởi các công ty con của ngân hàng có thể xem tương đương với một khoản cứu trợ tài chính của các cổ đông ngân hàng. 

Kinh nghiệm của các nước ở Châu Á như tại: Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Thái Lan cho thấy các nước này đã thành lập công ty quản lý tài sản tập trung để xử lý nợ, thu hồi và cơ cấu lại các khoản nợ xấu của ngân hàng. Một đặc điểm chung của 4 công ty này là tất cả đều được Chính phủ tài trợ vốn, tổ chức tập trung hơn là sử dụng mô hình chỉ dựa vào ngân hàng. Hầu hết các công ty quản lý tài sản ở các nước Châu Á chỉ hoạt động trong một số năm nhất định. Các công ty này cũng có quyền hạn đặc biệt để cắt giảm một số thủ tục pháp lý.  

Quan trọng là định giá các khoản nợ

Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, dù lựa chọn mô hình công ty mua bán nợ nào thì việc định giá các khoản nợ là rất quan trọng. Theo Phó Giáo sư , Tiến sỹ Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế, việc xử lý nợ thường được tham gia bởi các chủ thể: công ty xử lý nợ (AMC) của ngân hàng thương mại hoặc công ty mua bán nợ độc lập, ngân hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù là chủ thể nào cũng cần một cơ chế, phương pháp định giá các khoản nợ một cách phù hợp nhất nhằm đảm bảo lợi ích cả bên mua, bên bán.    

Thực tế ở Việt Nam cho thấy, các khoản nợ xấu thông thường đều có tài sản thế chấp. Công ty mua bán nợ sẽ mua lại những khoản nợ đó từ các ngân hàng. Việc này đồng nghĩa với các ngân hàng thương mại sẽ chuyển quyền sở hữu các khoản nợ và bán luôn cả tài sản thế chấp sang cho công ty mua bán nợ. Công ty mua bán nợ này sẽ định giá lại giá trị của các khoản nợ để tránh rủi ro.

Theo kinh nghiệm của các nước, việc định giá thường vào khoảng 50-80% giá trị. Tuy nhiên, theo ông Long, dù định giá như vậy nhưng khoản đầu tư có lãi hay không lại phụ thuộc vào giá mua bán tại thời điểm mua nợ và diễn biến của kinh tế vĩ mô. Ông cũng cho biết thêm, hiện nay, các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng ở nước ta được xử lý bằng hai cách: bán đấu giá tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đã xử lý; bán nợ xấu cho các tín dụng khác hoặc các AMC. Cách xử lý nợ xấu như vậy chủ yếu nhằm giải quyết vấn đề của từng tổ chức tín dụng hơn là một giải pháp tổng thể cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.     

Trước thực trạng này, nhiều đại biểu cho rằng, việc thành lập công ty mua bán nợ nợ xấu là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu hoạt động của công ty mua bán nợ là phải xử lý nợ xấu để cứu doanh nghiệp chứ không phải để làm "sạch" ngân hàng.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các giải pháp thực hiện giải quyết nợ xấu cần được lựa chọn phù hợp với trình độ phát triển của thị trường tài chính. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải hoàn thiện khung pháp lý cho vấn đề này như xác định rõ cơ chế hoạt động; định giá các khoản nợ xấu hợp lý... Các món nợ phải được định giá nghiêm túc, như nợ nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 không thể được mua với giá như nhóm 4 và nhóm 5 do mức độ rủi ro khác nhau thì chất lượng cũng như giá cả là khác nhau.

Đặc biệt, công ty mua bán nợ xấu của Chính phủ phải có cán bộ giỏi để có thể thẩm định những tài sản nợ mộc cách chính xác và phải liêm khiết để định giá tài sản, đồng thời cần trao cho một số quyền để công ty này hoạt động thực chất như không cần xin ý kiến của bên đi vay trước khi ký kiểm nghiệm mua bán khoản vay.

Hải Yên
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nợ xấu: Cần “chuẩn hóa” mô hình công ty mua bán nợ